ĐHĐCĐ Sacombank (STB): Chưa thể chia cổ tức cho cổ đông vì đang giai đoạn tái cơ cấu

(ĐTCK) Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm nay, trong đó mục tiêu lợi nhuận là 2.650 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ Sacombank (STB): Chưa thể chia cổ tức cho cổ đông vì đang giai đoạn tái cơ cấu

Tại Đại hội, nhiều cổ đông kỳ vọng được chia cổ tức, dù tỷ lệ thấp. Một cổ đông cho rằng, HĐQT Sacombank nên giảm tỷ lệ thù lao từ 2% trên tổng lợi nhuận vượt để lấy 1% chia cho cổ đông.

Trả lời câu hỏi này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, Sacombank đang giai đoạn tái cơ cấu nên theo quy định NHNN không được chia cổ tức.

Trong kế hoạch lúc đầu, Sacombank dự kiến trình cổ đông về việc trích 20% lợi nhuận vượt 2019 để thưởng cho cán bộ nhân viện. Tuy nhiên, Sacombank đã không đưa ra trình Đại hội nội dung này.

Theo lãnh đạo Sacombank, hiện bình quân lương của CBNV Sacombank hơn 6,6 triệu đồng/tháng, thấp nhất trong top các ngân hàng cùng quy mô.

Quỹ tích lũy cổ tức của Sacombank đến nay còn 2.700 tỷ đồng và Sacombank cũng đã nỗ lực trong việc trình xin NHNN để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, điều này đang chờ ý kiến của NHNN.

Còn về thù lao HĐQT, năm rồi trích 2% trên tổng lợi nhuận, nhưng cũng chưa sử dụng hết. Còn năm 2019, cũng chỉ mới xin thông qua tờ trình, chưa sử dụng. Tuy nhiên, công việc xử lý tại Sacombank còn nhiều và quá trình xử lý nợ xấu vẫn khó khăn.

Về nợ xấu, theo thông tin từ ông Minh, sau 2 năm tái cơ cấu, Sacombank đã giảm được 20.000 tỷ đồng nợ xấu; giảm tỷ lệ tài sản không sinh lời mới có được lợi nhuận trên 2.200 tỷ đồng trong năm 2018.

Năm 2017, Sacombank xử lý được 20.000 tỷ đồng đúng với kế hoạch đặt ra; năm 2018 đặt ra xử lý nợ xấu 15.000 tỷ đồng và Sacombank đã xử lý được 13.000 tỷ đồng; năm 2019 Sacombank tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Năm 2019, Sacombank với mục tiêu tăng trưởng ổn định và đến năm 2020 ngân hàng Sacombank sẽ tăng tốc.

Về tăng trưởng tín dụng, do Sacombank đang giai đoạn tái cơ cấu và có tái cơ cấu một quỹ tín dụng nên được NHNN ủng hộ và giao chỉ tiêu 16%.

Trong quý I/2019, Sacombank tiếp tục xử lý được 5.000 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến trong năm nay Ngân hàng sẽ xử lý được khoảng 15.000 tỷ đồng nợ xấu.

Về đấu giá tài sản của Sacombank luôn được đấu giá công khai và từ khi về Sacomabnk đến nay, ông Minh cho biết, chưa mua một tài sản đấu giá nào của Sacombank bán ra.

Năm 2019, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018.

Tổng tài sản dự kiến đạt 455.500 tỷ đồng, tăng tối thiểu 12% so với năm 2018. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 423.500 tỷ đồng, tăng trên 14%, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỷ đồng, tăng 17%.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 298.100 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 16%, trong đó cho vay khách hàng đạt 297.600 tỷ đồng, tăng 16%. 

Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank là 2.247 tỷ đồng, vượt 22,3% so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông giao.

Tổng tài sản đạt 406.041 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt 370.136 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 257.172 tỷ đồng, tăng 14%, mức tăng trưởng tín dụng được kiểm soát trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng cơ cấu tín dụng đã được điều chỉnh theo hướng tăng cho vay phân tán nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

Tỷ lệ nợ xấu đã giảm về mức 2,11%, điều này cho thấy hiệu quả và tiến độ xử lý nợ xấu được chú trọng, đảm bảo theo đúng kế hoạch của Hội đồng quản trị đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục