Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm đó là ngân hàng được VPBank nhận chuyển giao vốn là GPBank lỗ nhiều năm trước đây sắp tới sẽ như thế nào. Vấn đề này đã được Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng trấn an: “Trước khi chuyển giao, GPBank trung bình lỗ 1.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng năm nay lợi nhuận sẽ ít nhất đạt 500 tỷ đồng”.
Cụ thể, ông Ngô Chí Dũng cho biết, trong đề án tái cơ cấu GPBank, Ban điều hành đã chuẩn bị rất cẩn thận. VPBank nhận chuyển giao từ tháng 3 và đến nay, danh sách nhân sự đã được NHNN chuẩn y, song song đó, Ngân hàng đang kết thúc chiến lược tư vấn GPBank với tư vấn Mckinsy. Quá trình tái cơ cấu của GPBank liên quan đến nhân sự, hệ thống cũng đã được VPBank sang nghiên cứu một cách chi tiết nên HĐQT tin tưởng tiến trình này sẽ được triển khai thành công.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của VPBank là 12.875 tỷ đồng. Trong năm 2025, Ngân hàng dự kiến sử dụng 3.967 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 5%. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại là 8.908 tỷ đồng. Vấn đề này cũng đưa đến những quan điểm khác nhau ngay trong các cổ đông khi câu hỏi được đặt ra là với kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng, tại sao Ngân hàng lại chia cổ tức bằng tiền mặt và kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt liệu có tiếp tục được duy trì?
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Dũng chia sẻ lại về giai đoạn 2010 đến 2022, Ngân hàng kiên trì không chia cổ tức để tập trung vào mục tiêu phát triển VPBank, theo đó, Ngân hàng đã có những tăng trưởng vượt bậc về quy mô. Tuy nhiên, cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng dài hạn của Ngân hàng và nhu cầu của cổ đông, HĐQT đã quyết định 5 năm liên tiếp trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngân hàng đã trải qua năm nay là năm thứ 3 chia cổ tức bằng tiền mặt, vừa đáp ứng nhu cầu của cổ đông vừa đảm bảo các năm sau vẫn đủ vốn duy trì tăng trưởng với quy mô tương đối cao theo chiến lược của từng năm tiếp theo.
“Do vậy, 2 năm tiếp theo sẽ vẫn duy trì chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng chia với mức như thế nào sẽ còn tuỳ thuộc vào quy mô, khả năng tăng trưởng của Ngân hàng”, ông Dũng nói và thừa nhận, việc chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ khiến vốn của Ngân hàng giảm là điều không mong muốn bởi sẽ có ảnh hưởng đến khả năng cho vay, nhưng cần cân đối hài hoà giữa quyền lợi của cổ đông và hoạt động dài hạn của Ngân hàng nên vẫn quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt.
Liên quan đến vấn đề Ngân hàng có mua cổ phiếu quỹ, Chủ tịch VPBank cho biết, theo quy định, khi mua cổ phiếu quỹ sẽ bị trừ vào vốn nên phải cân nhắc bởi VPBank đang cần tăng trưởng về quy mô. Khi tham gia đề án tái cơ cấu, một trong những mục tiêu lớn nhất VPBank hướng tới là được tăng trưởng tín dụng 35%/năm trong 5 năm. Tăng trưởng quy mô là quan trọng số một, đi kèm với tăng trưởng quy mô vốn. Sau khi cân đối để chia cổ tức thì không thể mua tiếp cổ phiếu quỹ.
Về việc sau khi nhận chuyển giao GPBank, VPBank nằm trong nhóm được nới room ngoại lên 49%, Ngân hàng có kế hoạch nới room không, ông Dũng cho biết, VPBank được phép nới room ngoại lên 49% chưa sử dụng hết nhưng có thể hết bất kỳ lúc nào. Việc được nới room này rất quan trọng bởi Ngân hàng có điều kiện, cơ hội để tăng tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược hoặc mời thêm đối tác mới.
|
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank |
Về kết quả kinh doanh quý I/2025, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, VPBank tăng trưởng tín dụng 5,3% cao hơn thị trường, nếu tính cả dư nợ tín dụng hỗ trợ GPBank thì hơn 8,4%. Lợi nhuận đã đạt hơn 5.000 tỷ đồng, hơn 20% kế hoạch năm.
Nợ xấu trong 2025 sẽ được bộc lộ ở 6 tháng đầu năm, chủ yếu do các khoản nợ cấu trúc, đặc biệt là nợ bất động sản. Chẳng hạn như Novaland, các dự án đã được cải thiện một phần hồ sơ pháp lý, nhưng thời điểm này họ mới chỉ cải thiện được 30% do đó tình trạng nợ xấu bất động sản sẽ tăng trong quý I, quý II và sau đó sẽ ổn định nửa cuối năm.
“FE Credit có giải ngân tăng 30% so với cùng kỳ, tuy nhiên tổng dư nợ không tăng trong quý I do thu hồi xử lý nợ. FE Credit trong năm nay sẽ là giai đoạn củng cố và hoàn thiện để đảm bảo phục hồi lâu dài. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty tập trung thu hồi nợ, quản lý giải ngân có hiệu quả. Sau đó, 6 tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để bứt phá khi danh mục cho vay mới phát huy. Mục tiêu VPBank năm nay là duy trì FE Credit có lợi nhuận hợp lý khoảng 1.200 tỷ đồng và các năm tới có thể đạt 3.000 - 4.000 tỷ đồng”, ông Vinh nói.
Về kế hoạch công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng và phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con của VPBank, ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch VPBank cho biết, đây là 2 mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái của doanh nghiệp tài chính: “VPBank đã dần dần phát triển, vượt ra khỏi khuôn khổ của một doanh nghiệp đơn lẻ. Chúng tôi có công ty tài chính, bảo hiểm phi nhân thọ, công ty chứng khoán… Hai mảnh ghép nữa mà chúng tôi muốn hoàn thiện thời gian tới là công ty Quản lý Quỹ và công ty Bảo hiểm Nhân thọ. Đó là 2 mảnh ghép không thể thiếu với một doanh nghiệp tài chính”.
Ông Quân cũng cho biết, hiện đang có một số khó khăn với đối tác đang làm việc, tuy nhiên, VPBank tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận tốt nhất. Bởi VPBank đã có kinh nghiệm với bảo hiểm OPES, đồng thời, tập trung vào ứng dụng công nghệ, cũng như digital nên sẽ có lợi thế nếu thành lập một công ty bảo hiểm mới hoàn toàn, ứng dụng công nghệ, AI…
|
Năm 2025, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2024. Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.126 tỷ đồng (tăng 120%), của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 2.003 tỷ đồng (tăng 64%) và của Bảo hiểm OPES là 636 tỷ đồng (tăng 34).
VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 887.724 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước. Tổng tài sản hợp nhất VPBank dự kiến tăng 23% lên 1.132.800 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất dự kiến tiến thêm 34%, lên 742.311 tỷ đồng. Nợ xấu ngân hàng riêng lẻ dự kiến được kiểm soát dưới 3%.
ĐHCĐ năm nay cũng sẽ thực hiện bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2025 - 2030. Cụ thể, 8 thành viên HĐQT, trong đó có ít nhất hai thành viên độc lập, hai phần ba tổng số thành viên phải là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành VPBank.
Trong danh sách ứng viên HĐQT, có 6 thành viên là nằm trong HĐQT cũ, 2 thành viên mới là ông Mai Xuân Hùng và ông Daniel Ashton Carroll. Đối với Ban Kiểm soát, Ngân hàng dự kiến bầu ra 5 thành viên, trong đó một thành viên làm trưởng ban và phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.