Tại Đại hội, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc VHC cho biết, năm 2018, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên giá bán dự kiến tăng 30-35% so với năm 2017, trong khi sản lượng dự kiến tăng nhẹ 7-8% so với năm 2017 do nguồn cung nguyên liệu dự kiến tiếp tục thiếu hụt trong năm nay.
Theo đó, doanh thu chủ yếu đến từ việc tăng giá bán, dự kiến đạt 9.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ đạt 620 tỷ đồng, tăng 2,5% so với thực hiện năm 2017.
Tuy nhiên, đi kèm với kế hoạch tăng giá bán và mở rộng vùng nuôi, biên lợi nhuận của Công ty lại không tăng theo. Cụ thể, theo kế hoạch đề ra, biên lợi nhuận ròng năm 2018 của công ty mẹ dự kiến đạt 6,66%, giảm so với mức thực hiện năm 2017 là 7,4%.
Riêng trong quý I/2018, loại trừ khoản thu nhập từ cổ tức tại Công ty Vạn Đức Tiền Giang, biên lợi nhuận ròng trong kỳ đạt 8,4% giảm so với cùng kỳ ngoái.
Nguyên nhân, theo bà Tâm, là do độ trễ giữa tăng giá nguyên liệu và tăng giá bán tại các thị trường, các thị trường khác nhau có biên lợi nhuận khác. Được biết, giá nguyên liệu bình quân năm 2018 đến hiện tại đã cao hơn 25% so với mức bình quân năm 2017.
“Khi chi phí nguyên liệu tăng mà đạt kế hoạch tăng biên lợi nhuận là không thực tế", bà Tâm nói và cho biết, mặc dù Mỹ là thị trường có biên lợi nhuận cao nhất, nhưng VHC không thể tập trung hoàn toàn cho thị trường này mà bỏ qua các thị trường chiến lược khác.
Trong đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc hiện nay rất lớn. Đây là thị trường có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây với mức CARG trên mức 50%, giá bán cũng tăng gấp đôi, nhưng nhu cầu vẫn lớn. Tuy nhiên, cổ đông vẫn muốn VHC đẩy mạnh thị trường Mỹ để có mức lợi nhuận tốt hơn. Chiến lược của công ty làm sao để có thể hài hòa lợi ích cổ đông lớn và chiến lược phát triển dài hạn của công ty.
Hiện nay, VHC đang chiếm 8% thị phần tại Trung Quốc với doanh thu của thị trường Trung Quốc chiếm 10% tổng doanh thu năm 2017 của VHC.
Để đảm bảo sản lượng cũng như ứng phó trước vấn đề thiếu hụt nguồn cung, bà Tâm cho biết, trong năm nay sẽ tập trung đầu tư xây dựng vùng nuôi 220 ha tại Tân Hưng, Long An, trong đó 50 ha cho con giống, với vốn đầu tư 220 tỷ đồng. Ngoài ra, tăng công suất Thanh Bình thêm 100 tấn nguyên liệu/ngày.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC, sau khi hoàn thành vùng nuôi, VHC kỳ vọng có thể tăng công suất nuôi 30-35% so với công suất hiện tại, nâng tỷ lệ tự chủ vùng nuôi bình quân lên 70%. Tuy nhiên, phải đến năm 2019, vùng nuôi hoàn thành và công ty mới có tăng tỷ lệ tự chủ từ vùng nuôi này.
Đại hội cũng thông qua tờ trình về việc cơ cấu lại cấu trúc công ty, trong đó thành lập 1 công ty mới từ quản lý tài sản từ xí nghiệp 1,2,3 và vùng nuôi.
Công ty mẹ Vĩnh Hoàn không trực tiếp tham gia sản xuất, mà sẽ hoạt động như công ty mẹ quản lý gián tiếp theo tỷ lệ vốn góp tại các công ty con và công ty liên kết.
Cụ thể, sau tái cấu trúc, VHC có 4 công ty con, gồm Công ty TNHH MTV Vĩnh Hoàn 4 (100%), Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Hoàn Collagen (100%), Công ty TNHH MTV Thanh Bình Đồng Tháp (100%), Công ty TNHH Lương thực Vĩnh Hoàn 2 (99,3%) và 2 công ty liên kết bao gồm 35% vốn tại Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Xuât khẩu Vạn Đức Tiền Giang và 25% vốn tại Công ty Octogone Holdings PTE.LTD.
Đại hội cũng thông qua đơn từ nhiệm của 2/3 thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ cũ và bầu bổ sung 2 thành viên mới là ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Xí nghiệp nuôi CTCP Vĩnh Hoàn và bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, trưởng phòng tài chính và đầu tư công ty Refico.