Năm 2016, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 7.689 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ dự kiến 350 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến 20%, tăng 5% so với năm 2015.
Theo HĐQT VHC, nhu cầu tiêu thụ cá tra trong thời gian tới sẽ tăng mạnh, dự kiến đạt gần 50 triệu tấn đến năm 2030. Theo đó, VHC đặt kế hoạch sản lượng đạt 750 tấn nguyên liệu/ngày.
Cũng theo VHC, đến năm 2020, doanh thu dự kiến của VHC sẽ tăng gấp đôi từ hơn 7.000 tỷ đồng lên hơn 14.000 tỷ đồng. Ebitda tăng gấp đôi từ 654 tỷ đồng năm 2016 lên 1.316 tỷ đồng năm 2020.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào hồi đầu tháng 5, Vĩnh Hoàn đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2016 với doanh thu 1.600 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 1,6 tỷ đồng so với với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần cá tra của VHC tăng từ 15% năm 2015 lên 18% vào cuối quý I/2016, vươn lên dẫn đầu thị phần cá tra của cả nước.
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị VHC, trong bối cảnh ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn, Vĩnh Hoàn vẫn đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Có được kết quả khả quan trên là nhờ công ty đã tận dụng và phát huy được thế mạnh sản xuất chu trình khép kín từ giống nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu tiêu thụ.
Về kế hoạch đầu tư, năm 2016, VHC dự kiến chi 420 tỷ đồng xây dựng, mở rộng và nâng cấp nhà máy chế biến thủy sản và xưởng bột mỡ cá, đầu tư các hạng mục còn lại hoàn thiện nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen 20 tỷ đồng, bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư xây dựng và mở rộng vùng nuôi trồng với 65 tỷ đồng.
Hiện phân bổ vùng nuôi của VHC bao gồm 80% tại Đồng Tháp và 20% diện tích tại Tiền Giang.
Cũng trong năm nay, VHC dự kiến đẩy mạnh phát triển mảng collagen và gelatin này, doanh thu quý I/2016 ghi nhận hơn 300 nghìn USD. Mặc dù nhà máy collagen chỉ vừa đưa vào khai thác, sản lượng phải đạt 40%-50% mới đạt được điểm hòa vốn, nhưng ban lãnh đạo VHC cho biết với tình hình đơn hàng khả quan, doanh thu kế hoạch đến cuối năm là 6 triệu USD/năm với 700 tấn thành phẩm là hoàn toàn có thể đạt được. Với mức công suất hiện tại, nhà máy dự kiến hoàn vốn vào cuối năm nay. Trong thời gian tới, khi công suất nhà máy nâng lên đạt 70%-80% thì doanh số dự kiến 12-15 triệu USD/năm.
Trả lời ý kiến cổ đông về việc ảnh hưởng của tình hình ngập mặn tại các tình Đồng bằng sông Cửu Long đến sản lượng của VHC, bà Tâm cho biết, ảnh hưởng này không đáng kể do phần lớn diện tích nuôi trồng của VHC tại Đồng Tháp, vùng thường nguồn sông Tiền nên không ảnh hưởng nhiều so với các tỉnh hạ nguồn.
Giải đáp lo lắng của cổ đồng về rủi ro và cơ hội khi VHC mở room 100%, bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch HĐQT VHC cho biết kế hoạch mở room tận dụng nguồn đầu tư đã được HĐQT quản trị xem xét và cân nhắc nên rủi ro sẽ không nhiều, mà chủ yếu là các cơ hội để Vĩnh Hoàn mở rộng chuỗi phân phối, hoạt động sản xuất phù hợp với chiến lược và tầm nhìn của công ty đến năm 2020.
Hiện nay, Công ty đã thành lập VPĐD tại Mỹ, Singapore, Trung Quốc, trong đó VHC chú trọng đầu tư đội ngũ bán hàng tại các nước xuất khẩu, hơn 50% đội ngũ bán hàng của Vĩnh Hoàn là người nước ngoài bản địa tại các thị trường xuất khẩu trọng tâm.
Ngoài giữ vững thị phần tại các thị trường thế mạnh như Mỹ và châu Âu (Anh, Bỉ, Hà Lan,…) trong năm nay, công ty sẽ mở rộng 2 thị trường mới là Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, bà Tâm cho biết Trung Quốc là một trong những thị trường rất tiềm năng, Vĩnh Hoàn chiếm thị phần 10% và nằm trong top 3 doanh nghiệp có thị phần lớn tại thị trường mới và tiềm năng này, cùng với IDI và Đại Thành Seafoods.
Tại Nhật, mặc dù trước đây người dân không chuộng sản phẩm cá tra nhưng hiện nay sản phẩm đã dần được thị trường chấp nhận, đặc biệt là những sản phẩm cá tẩm bột. Sắp tới, VHC sẽ tiến tới kế hoạch vận chuyển sản phẩm bằng đường không để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Nhật.
Về giá bán xuất khẩu, bà Tâm cho hay giá bán bình quân của VHC cao hơn giá bán toàn ngành vì công ty đã qua giai đoạn chạy theo sản lượng. Hiện nay, thị trường của công ty cũng đã đi vào ổn định nên trong khoảng thời gian tới, công ty sẽ tập trung vào chất lượng thương hiệu với giá bán tương ứng.
Cũng tại Đại hội, bà Trương Thị Lệ Khanh đại diện HĐQT VHC đã thống nhất giao cho bà Nguyễn Ngô Vi Tâm chức vụ Tổng giám đốc của Vĩnh Hoàn sau 13 năm làm việc đưa hoạt động công ty ngày càng đi lên. Theo đó, từ 1/6/2016, bà Tâm sẽ chính thức trở thành CEO của Vĩnh Hoàn.
Từ một xí nghiệp tư nhân nhỏ thành tại số 242, Bình Thới, quận 11, TP.HCM, sau đó là công ty TNHH Vĩnh Hoàn thành lập năm 1997, đến nay sau 18 năm hoạt động, CTCP Vĩnh Hoàn đã vươn lên trở thành một trong những công ty đầu ngành trong lĩnh vực thủy sản của cả nước.