ĐHCĐ thường niên 2023 GCFood: Tăng vốn lên 100 tỷ đồng, có 100 ha đất sẵn sàng để mở rộng vùng trồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Thực phẩm G.C (GCFood, mã GCF) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 sáng 7/4 đã thông qua mục tiêu doanh thu hơn 523 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế gần 27 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước. Cổ tức 8% bằng tiền mặt.
ĐHCĐ thường niên 2023 GCFood: Tăng vốn lên 100 tỷ đồng, có 100 ha đất sẵn sàng để mở rộng vùng trồng

GCF được biết đến là "vua" nha đam và thạch dừa tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến và sản xuất thực phẩm với chủ lực là các sản phẩm liên quan đến nha đam và thạch dừa, chiếm gần 90% trong tổng doanh thu Công ty các năm qua.

Năm 2022, GCF ghi nhận doanh thu 431 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021 và vượt 8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng, giảm 39% và chỉ tương đương 66% chỉ tiêu đề ra. Cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%.

Giai đoạn 2023 - 2025, GCF dự kiến đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm mới của CTCP Thực phẩm Cánh đồng Việt, đầu tư sản phẩm mới hóa mỹ phẩm trên chất liệu nha đam, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nha đam quy mô lớn, đầu tư công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của CTCP Nắng và Gió, đầu tư nhà máy sản xuất nước ép nha đam và trái cây, đầu tư Trang trại nuôi tôm Mũi Dinh.

Tổng vốn đầu tư trong 3 năm dự kiến là 438,8 tỷ đồng.

Hiện tại, vốn điều lệ của GCF là 260 tỷ đồng. Năm 2023, GCF dự kiến phát hành 20 - 30 tỷ đồng cổ phiếu cho các đối tác đóng góp phát triển của Công ty với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cp; phát hành 60 - 70 tỷ đồng cổ phiếu cho các tổ chức tài chính với giá không thấp hơn 15.000 đồng/cp; phát hành 10 tỷ đồng cổ phiếu ESOP theo mệnh giá dành cho cán bộ, chuyên viên chủ chốt của Công ty.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của một công ty đại chúng, chuẩn bị niêm yết lên sàn HoSE, HĐQT đề cử bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập. Đồng thời, cũng sẽ trình miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Trường San theo nguyện vọng cá nhân.

GCF cũng dự kiến sửa đổi điều lệ về số lượng thành viên HĐQT có thể là 5, 7 hoặc 9 người thành từ 3-11 thành viên.

Thảo luận tại Đại hội:

Đại diện Quỹ Bản Việt hỏi về kế hoạch năm 2023. Doanh thu dự kiến tăng tốt, nhưng lợi nhuận bị bào mòn bởi chi phí hoạt động nên chỉ đi ngang. Ban lãnh đạo có thể giải thích thêm về điều này và xu hướng này những năm tới có được cải thiện không?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thứ: Doanh thu kế hoạch tăng dựa trên khách hàng Công ty đang có. 90% sản phẩm của GCF hiện nay là bán sỉ (B2B) đã ký hợp đồng và mức doanh thu sẽ rất sát do ghi nhận trên các hợp đồng đã ký.

Còn về chi phí, thì GCF đã đầu tư vào vùng nguyên liệu, dự kiến tự chủ được 30% vùng nguyên liệu trong năm 2023. GCF đang phát triển 50ha cây nha đam, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên đáng lẽ thu hoạch vào quý I/2023, song đến nay sản lượng ít không như kỳ vọng. Do đó, GCF đã có thuê kỹ sư để nghiên cứu thêm.

Cây nha đam nhìn bề ngoài dễ trồng, ai trồng cũng được, nhưng để trồng trên quy mô lớn thì rất thách thức. Cây vẫn sống nhưng không cho sản phẩm. Hiện GCF đang thu hoạch 100 tấn lá mỗi ngày, nên cây mà không tốt, không cho năng suất thì không đáp ứng được. Công ty đã nghiên cứu tìm hiểu 80 - 90% để trồng quy mô công nghiệp trong năm 2023.

Ngoài ra, chi phí nguyên nguyên liệu cũng đang cao hơn năm trước, từ 2.500 đồng/kg lên khoảng 4.000 đồng/kg. Với mục tiêu để duy trì mối khách hàng lâu dài và không bị gián đoạn cung ứng, nên GCF chấp nhận giảm biên lợi nhuận trong năm 2023.

GCF kỳ vọng vùng nguyên liệu sẽ tốt hơn vào quý III - IV/2023 sẽ kéo giảm giá xuống. Nếu làm được, HĐQT cũng xin phép cổ đông được phép điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận từ quý II/2023 cho phù hợp với thực tế thị trường.

Vì sao đặt kế hoạch doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, vậy có nên đầu tư hay không?

Tại GCF, hoạt động đầu tư được thực hiện trong năm 2023 - 2025 và hứa hẹn mang lại doanh thu lợi nhuận trong những năm tiếp theo. GCF tham vọng niêm yết trên thị trường chứng khoán và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Tôi tự tin trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế/doanh thu phải trên dưới 10%, trở về thời điểm năm 2021.

Chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển nguồn gen giống? Công ty có thể tự lai giống không, thay vì phải nhập?

GCF là công ty duy nhất Việt Nam được tỉnh tài trợ dự án nuôi cây nha đam cấy mô. Hiện, cây nha đam ngoài ruộng đang bị nhiễm bệnh, nhìn cây con thì vẫn khoẻ mạnh, nhưng tiềm năng nhiễm virus thối gốc cao.

Với dự án này, GCF mỗi năm sẽ đưa ra 3 triệu cây nha đam giống (cây F0) cấy mô cho bà con nông dân. Tổng diện tích dự kiến ban đầu là 30 ha, dự kiến đến 2024 là mở rộng 200ha và lên 500 ha sang năm 2025.

GCF đã mất 2 năm để nghiên cứu cây nha đam cấy mô này và đang trồng cây F1 để đưa cho bà con nông dân trồng trên thực tiễn.

Riêng về giống tốt giống chuyên, ở Ninh Thuận hiện nay giống nha đam chủ yếu là giống Thái, giống này theo tìm hiểu là phù hợp nhất với vùng đất này, nên vẫn là giống chính mà GCF phát triển.

Ngoài ra, GCF cũng đang tìm hiểu, ví dụ ở Hàn Quốc có nha đam nhân sâm và Công ty đã có giống này, cũng đang nghiên cứu nuôi cấy mô.

Hiện, GCF đang sở hữu trên 100 ha đất có thể dùng làm vùng nguyên liệu.

Công ty có kế hoạch phát triển vùng nuôi tôm giống, ban lãnh đạo có thể chia sẻ thêm về điều này?

GCF đã loại bỏ kế hoạch này khỏi chương trình đại hội hôm nay, chúng tôi sẽ không thực hiện dự án này.

Vùng nguyên liệu hiện tại thế nào? Năm rồi có khó khăn là cây giống chưa nhân rộng được, năm nay khi nào tự chủ được vùng nguyên liệu?

Công ty Cánh đồng Việt mang lại doanh thu và lợi nhuận cao nhất, nên GCF đang củng cố vùng nguyên liệu cho công ty này.

Bên cạnh đó, GCF thành lập CTCP Nông nghiệp Mũi Dinh cung cấp vùng nghiệp liệu cho Cánh đồng Việt. Đồng thời, đang liên kết vùng nguyên liệu mới tại Phú Yên và Bình Thuận. Dự kiến vào tháng 6 - 7/2023 sẽ cho lứa thu hoạch đầu tiên.

Mũi Dinh đang quản lý sau khi trồng lại trên 10 ha. Dự kiến, năm nay cũng chỉ phát triển trong 10 ha để phát triển bền vững, ổn định, sau đó mới nhân lên.

Tỷ suất lợi nhuận 2022 là 6%, sang 2023 thì tỷ suất này giảm đi trong khi doanh thu tăng. Vậy có nên đầu tư thêm không khi hiệu suất giảm đi?

Cổ đông có quan điểm nếu tăng đầu tư mà không tăng hiệu suất thì mắc gì đầu tư, GCF đồng ý. Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực hơn, thì việc đầu tư là đầu tư cho tương lai, để không chỉ gói gọn trong hoạt động hiện tại. Cũng như việc GCF niêm yết sàn chứng khoán, cũng là bước đệm phát triển mạnh hơn trong tương lai. Dự kiến, 2024 thì hiệu suất sẽ cải thiện.

Chi phí hoạt động ghi nhận thêm đến 17 tỷ đồng khiến lợi nhuận không tăng, ban lãnh đạo chia sẻ cụ thể chi phí này là những chi phí gì?

Với việc GCF đã niêm yết thì các khoản chi phí tăng, nhưng chi phí kiểm toán tăng dẫn đến chi phí hoạt động tăng. Ngoài ra, GCF cũng phải duy trì ban cổ đông, ban thông tin theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán, nên chi phí của Công ty có tăng so với trước khi niêm yết.

Về đầu tư dự án, chi phí tiền lương cho đội ngũ phát triển dự án, chúng tôi ghi nhận luôn trong năm 2023, dù doanh thu, lợi nhuận của dự án này có thể chưa phản ánh liền trong năm 2023.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục