Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HDQT SSI cho biết, kế hoạch này cao hơn nhiều mặc dù năm ngoái đã đạt được các kỷ lục. "Điều này cho thấy rằng lãnh đạo SSI có view (góc nhìn-PV) thị trường rất tốt trong năm nay."
Năm nay, SSI sẽ làm các deal lớn có thể gay tiếng vang lớn trên thị trường |
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng Giám đốc SSI, năm 2020, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thành công ngoài mong đợi, VN-index phục hồi 67,5% từ mức đáy và lấy lại được tăng trưởng dương ở mức 14,9%. Năm 2020 cũng là năm thứ 5 liên tiếp VN-Index tăng trưởng vượt trội so với chỉ số MSCI Frontier Market
Thanh khoản đạt kỷ lục nhờ dòng tiền mạnh mẽ từ nhà đầu tư cá nhân. Giá trị giao dịch trung bình cả năm tăng trưởng 79,2% so với năm 2019 và 17,2% so với năm 2018. Thị trường cũng đón nhận một lớp nhà đầu tư mới với quy mô lớn nhất trong 20 năm thành lập và phát triển thị trường.
Ngược lại, tỉ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn 11,3% tổng giá trị giao dịch, thấp hơn nhiều so với mức 14 – 16% những năm trước đây. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 813 triệu USD năm 2020
Các quỹ mở nội địa năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng về cả quy mô tài sản lẫn số lượng nhà đầu tư tham gia. Tổng giá trị tài sản ròng các quỹ mở đạt xấp xỉ 34,5 nghìn tỷ VND, tăng trưởng hơn 63% so với năm 2019.
Ông Nguyễn Hồng Nam cho biết, đà tăng điểm của thị trường tác động tích cực đến các hoạt động kinh doanh của SSI. |
Năm 2020, SSI đạt doanh thu hợp nhất đạt 4.580,8 tỷ đồng, tăng 38,5% so với doanh thu năm 2019, đạt 166% kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.557,6 tỷ VND, tăng 40,8% và đạt 179% kế hoạch lợi nhuận.
Trong đó, khối dịch vụ chứng khoán, SSI tiếp tục 7 năm liên tục dẫn đầu thị phần môi giới với thị phần năm 2020 là 11,87%, tổng tài khoản tăng trưởng 18,2%. Dư nợ ký quỹ cuối năm 2020 đạt trên 9.200 tỷ đồng, cao hơn 1,7 lần so với mức đầu năm.
Sự bùng nổ của thị trường đã kéo theo nhu cầu sử dụng margin rất cao, tuy nhiên, theo Tổng giám đốc của SSI, vẫn luôn kiên định với chính sách cho vay thận trọng khi thị trường có nhiều biến động, tận dụng thế mạnh về nguồn vốn đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tài chính của nhà đầu tư; đồng thời đa dạng các sản phẩm dịch vụ.
Đối với mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư, gặp thách thức nước ngoài bán ròng và do dịch covid nên không thể gặp gỡ trực tiếp, dù vậy SSI vẫn tư vấn thành công nhiều giao dịch đạt giá trị kỷ lục thông qua những hình thức giao dịch đa dạng và cấu trúc phức tạp.
Cụ thể, SSI tư vấn cho MBB bán 21,43 triệu cổ phiếu quỹ và phát hành riêng lẻ 64,31 triệu cổ phiếu sơ cấp trị giá 100 triệu USD, thu hút sự tham gia của nhiều Quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới; tư vấn PLX chào bán 28 triệu cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư đại chúng, huy động thành công 56,1 triệu USD; độc quyền tư vấn giao dịch chào bán 24,9% cổ phần Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm cho tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Quy mô giao dịch đạt hơn 35 triệu USD. Dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành lên đến gần 800 triệu USD.
Với quản lý quỹ, cuối năm 2020, tổng tài sản quản lý của SSIAM đạt 6670 tỷ VND, tăng 45% so với cuối năm 2019. SSIAM hoàn thành vượt 21% kế hoạch lợi nhuận đặt ra từ đầu năm .
Tổng tài sản quản lý của SSIAM đạt 6670 tỷ VND, tăng 45% so với cuối năm 2019 |
SSIAM đã thành lập quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD, quỹ mô phỏng chỉ số ngành đầu tiên tại Việt Nam, và quỹ ETF SSIAM VN30 mô phỏng chỉ số VN30. Tính đến cuối năm 2020, tỷ suất lợi nhuận của SSIAM VNFIN LEAD đạt 35,6%.
Còn hoạt động đầu tư, SSI linh hoạt sử dụng các biện pháp phòng hộ rủi ro trên thị trường phái sinh để hạn chế rủi ro, mặt khác tận dụng cơ hội thị trường biến động để cơ cấu lại theo hướng tăng tính thanh khoản và sử dụng các chiến lược giao dịch hợp lý gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, nhờ sự tăng mạnh của thị trường hai quý cuối năm, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đã phát huy được ưu điểm đòn bẩy một cách vượt bậc, giúp nhà đầu tư tìm kiếm được công cụ đầu tư lợi nhuận cao. Chứng quyền do SSI phát hành luôn nằm trong nhóm có thanh khoản và giá trị phát hành lớn nhất trên thị trường.
Tăng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng
HĐQT SSI trình ĐHCĐ phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng, sau phát hành, SSI tiếp tục là CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Các phương án tăng vốn bao gồm:
(1) Phát hành 219,1 triệu cổ phiếu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ phát hành 6:2. Cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng
(2) Chào bán 109,55 cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 6:1, với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.
(3) Phát hành riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn bình quân giá đóng cửa 10 phiên liền trước ngày HĐQT quyết định phê duyệt phương án phát hành chi tiết. Cổ phần chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
(4) Đồng thời, SSI sẽ phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Chỉ được chuyển nhượng 50% sau 02 năm và 50% còn lại sau 03 năm kể từ ngày phát hành. Việc mua lại cổ phiếu của nhân viên đã mua cổ phiếu ESOP mà vi phạm quy định về hạn chế chuyển nhượng theo Quy chế phát hành do HĐQT ban hành.
Nguồn vốn huy động được bổ sung vốn kinh doanh nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ.
Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ làm pha loãng tỷ lệ sở hữu và quyền biểu quyết của cổ đông hiện hữu. Đồng thời, tỷ lệ nắm giữ và quyền biểu quyết của cổ đông hiện hữu sẽ bị giảm một tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ mà cổ đông từ chối quyền mua trong đợt phát hành này (so với thời điểm trước ngày chốt danh sách thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm mà cổ đông đang sở hữu).
Theo đó HDQT SSI đề xuất cổ đông Ủy quyền cho HĐQT căn cứ theo điều kiện thực tế tại thời điểm triển khai phát hành để đưa ra đánh giá cụ thể về mức độ pha loãng cổ phiếu dự kiến sau khi phát hành.
Năm 2021, SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của SSI là 21,7% |
SSI dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ sôi động nhưng sức nóng sẽ giảm so với 2020. Việc siết chặt điều kiện nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ là động lực khiến các doanh nghiệp chuyển sang hình thức phát hành ra công chúng để tiếp cận được nguồn tiền đầu tư từ cá nhân.
Năm 2021, SSI đặt mục tiêu 5.263 tỷ đồng doanh thu và 1.870 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng lần lượt 15% và 20% so với thực hiện năm 2020. Mục tiêu này nếu đạt được sẽ vượt xa kỷ lục lợi nhuận 1.623 tỷ đồng mà SSI đạt được vào năm 2018.
Kết thúc quý 1, SSI ghi nhận doanh thu hợp nhất 1518 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 530 tỷ đồng– tăng trưởng gấp 65 lần so với cùng kỳ năm 2020, thời điểm thị trường khá khó khăn năm ngoái.
Đại hội thảo luận (ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI giải đáp thắc mắc của cổ đông)
Tình trạng nghẽn lệnh, SSI có đối sách gì?
Đây là vấn đề nóng bỏng nhất, là một trong các yếu tố làm thị trường tăng trưởng kém hơn trong thời gian qua, nhưng cũng nhìn nhận rằng đây là vấn đề chung của cả ngành chứng khoán.
Nếu nhìn ở mặt tích cực, thì TTCK tăng nhanh quá so với dự báo ban đầu của những người xây dựng thị trường nên hệ thống chưa đủ sức xử lý hết, và việc khắc phục hệ thống không thể nhanh được. Cùng các cơ quan quản lý, FPT có tham gia khắc phục hệ thống, sau 3 tháng, chưa có kết quả rõ ràng. Ngược lại, đội ngũ IT của Sở có sự nỗ lực và có kết quả là cải thiện năng lực xử lý rất tốt trong giai đoạn gần nhất. Chỉ có những phiên rất “hot”, trên 22.000-23.000 tỷ đồng, thì hệ thống mới bị gián đoạn. Còn hệ thống nội bộ thì đã có thể chấp nhận được khối lượng giao dịch lớn hơn rất nhiều.
Định hướng của SSI để cân bằng lợi ích công ty và cổ đông?
Gia đình tôi và Daiwa là 2 cổ đông lớn nhất. Công ty và cổ đông là một. Công ty là của cổ đông. Tôi cũng là người đại diện cho HĐQT, cũng là đại diện cho cổ đông.
Kế hoạch kinh doanh 2021 dựa trên các giả định ra sao?
Chúng tôi không đưa ra kế hoạch mơ hồ mà có các cơ sở cụ thể. Trong kế hoạch kinh doanh có 2 khối rõ ràng là khối đầu tư thì dự đoán thị trường sẽ loanh quanh 1.300 điểm, còn giả định các khối khác thì cho rằng thị trường giao dịch có thể đạt đỉnh vào mức trên 1.400 điểm và thanh khoản thị trường trên 16.000 tỷ đồng/phiên. Đến nay, các giả định thì đã đạt được đầu năm và diễn ra đúng như giả định của SSI.
Công ty chia sẻ rõ hơn về nhu cầu huy động vốn?
Nghị quyết Đại hội Đảng, các báo cáo ngành đều có mục tiêu cần xây dựng thị trường chứng khoán là kênh huy động tốt, song song với kênh dẫn vốn từ ngân hàng. Nhưng nhìn thành viên lớn nhất thị trường mà vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng thì làm sao có thể đưa TTCK thành kênh huy động song song với kênh ngân hàng hàng được!
Do vậy, nhu cầu tăng vốn là nhu cầu cấp thiết trong kinh doanh cho CTCK, đồng thời cần thiết để xây dựng TTCK. Với tư duy như vậy, một trong những mục tiêu của SSI trong năm nay sẽ tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn huy động được vẫn là để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong đó năm nay sẽ đặc biệt là mảng bảo lãnh phát hành là mảng quan trọng, SSI sẽ làm các deal lớn có thể gay tiếng vang lớn trên thị trường.
Bên cạnh đó, nguồn vốn sẽ bổ sung cho vay margin. Nguồn margin của SSI luôn dồi dào nhưng chính sách margin thì ngoài bảo vệ an toàn hệ thống thì mỗi khi điều chỉnh chính sách margin đều gửi thông điệp để bảo vệ NDT trong đó, để NĐT phải nhìn nhận thêm và quản trị rủi ro cho chính mình.
Đánh giá của ông về thị trường năm 2021?
Năm 2021 sẽ tốt hơn 2020 dù 2020 đã tốt. Đừng nghĩ TTCK chỉ có lên, mà tốt đây là số lượng người tham gia, thanh khoản tăng, và có thể huy động được vốn trên thị trường cho nền kinh tế. Năm 2021 sẽ có nhiều thương vụ huy động vốn trên thị trường, là cơ hội phát triển thị trường lớn hơn.
HĐQT có nên cân nhắc lại các phương án ESOP?
Tôi là cổ đông lớn thứ 2 của SSI, tôi cũng mong muốn có lợi ích cho công ty. Nhưng phải cân đối, tài sản lớn nhất là người lao động. Chương trình ESOP đã được tính toán là giữ chân người ta và mang lại lợi ích cho công ty tiếp tục sau này. Đây không phải là cuộc trả giá, mặc cả gì. Các chương trình ESOP đều được ĐHCĐ thông qua, HĐQT và Ban điều hành phải thực hiện theo nghị quyết chung.
Quan điểm của ông về dòng tiền nước ngoài, khi nào khối này thôi bán ròng?
Điều đáng mừng là dòng tiền nước ngoài không còn đóng góp quá nhiều tới VN-Index như trước đây, dù bán ròng thì chỉ số vẫn tăng và thanh khoản cao. Không nên nghĩ, NĐTNN vào thị trường thì sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta cái gì, mà họ đang tìm kiếm kênh đầu tư kiếm lời cho chính họ, và họ đều có các tiêu chí đầu tư, chẳng hạn có lãi bao nhiêu đó thì rút…
TTCK tồn tại và phát triển thì đều nhắm đến dòng tiền nhàn rỗi của người dân, các quỹ được xem như cơ sở cho nhà đầu tư nhìn nhận thêm, để đánh giá và quyết định trong danh mục của mình.
Khi thị trường sôi động, người ta lập quỹ mới với các tiêu chí mới, thì khi đó dòng tiền mới lại đổ vào. Ngược lại đến một giai đoạn nào đó, dù thị trường còn tiềm năng, nhưng đến hạn của quỹ, như TTCK Việt Nam đã hai mấy năm, các quỹ cũng vào rất sớm, nên khi đến đúng thời điểm thoả tiêu chí của họ, và họ đã gia hạn 1 lần rồi do thanh khoản chưa đạt, thì nay có cơ hội khi thanh khoản thoả tiêu chí thì họ rút. Còn việc rút quỹ xong, lập quỹ mới với các tiêu chí mới lại vào lại thị trường, đây là diễn biến hoàn toàn bình thường trên thi trường và bây giờ ta đừng quá quan tâm quá tới dòng tiền nước ngoài in-out lúc này.
Thời gian tăng vốn điều lệ cần cụ thể hơn?
Phải chờ ĐHCĐ thông qua, các bộ phận chức năng triển khai ngay và cần sự phê chuẩn của cơ quan chức năng, rồi cổ đông góp vốn. Việc có thể làm ngay thì sẽ làm ngay trong quý 2.
Thị phần SSI không dẫn đầu trong quý 1/2021, ông nghĩ như thế nào?
Không phải ở thị trường Việt Nam mà trên thế giới đã có những cách tiếp cận khác, nền tảng khác, mỗi giai đoạn phải tự làm mới mình. Việc SSI đứng thị phần thứ 2 thì đầu tiên, phải nói thật là công ty ở vị trí số 1 vừa qua là đáng khen, họ đã có những bước đi chạy trước thời gian và lấy thị phần.
Trong quá khứ, đây không phải lần đầu tiên SSI có thị phần số 2và SSI cũng cần khoảng lặng, phải tĩnh lại để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo, để khảo sát lại thị trường, công nghệ, tâm ý khách hàng… Chúng tôi không cạnh tranh trực tiếp bằng cách chạy theo, mà sẽ có sản phẩm thu hút được khách hàng, đảm bảo quản lý rủi ro công ty, cho khách hàng, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp vẫn là luôn là điều mà chúng tôi đau đáu.
Dĩ nhiên, chúng tôi không bao giờ thoả mãn với số 2, SSI vẫn sẽ phải chuẩn bị những bước đi vững chắc để tiến lên thôi.
Công ty tập trung khách hàng cá nhân hay khách hàng tổ chức?
SSI có 5 bộ phận, mỗi bộ phận tập trung cho một đối tượng khách hàng khác nhau. SSI là CTCK với mục tiêu xây dựng là định chế tài chính chứng khoán số 1 nên quan tâm mọi đối tượng khách hàng và có đội ngũ riêng phục vụ cho mỗi đối tượng, chứ không phải toàn nguồn lực công ty tập trung vào một đối tượng khách hàng.
Thị giá cổ phiếu SSI thấp hơn nhiều mã chứng khoán khác trên sàn, vì sao?
Số lượng cổ phiếu mỗi công ty khác nhau. Khi chia tách cổ phiếu thì thị giá trên sàn sẽ có giảm, còn nếu không chai tách thì rất cao. Nhìn bảng điện so sánh các CTCK không nói lên được CTCK đó tốt xấu, hay đắt rẻ được, mà còn rất nhiều yếu tố khác tạo nên.
Chính sách giữ chân nhân sự khi mà nhiều nhân sự giỏi rời khỏi SSI?
Việc nhiều người đến hay đi chủ yếu là phù hợp hay không phù hợp. Tôi không cho rằng, những người đi là tốt còn ở lại là không tốt, hay đi cũng không phải là xấu và ở lại là xấu, đơn giản chỉ là phù hợp hay không phù hợp với mỗi công ty.
Các nhân sự rời đi không ảnh hưởng đến các chiến lược phát triển của công ty. Thậm chí dòng nước chảy mới là dòng nước trong, có người đi, thì có người mới tới lại có thêm những đóng góp mới, những nhân sự ở lại có cơ hội chứng tỏ năng lực của mình hơn.
Mới đây, SSI có nhiều chính sách rất cạnh tranh trên thị trường danh cho môi giới và cộng tác viên.
SSI có đánh giá gì về mảng tự doanh, vì sao cứ SSI thoái vốn DBC, DHC… thì cổ phiếu tăng mạnh?
Để tránh mâu thuẫn lợi ích với nhà đầu tư, tự doanh SSI không tham gia mua bán trực tiếp trên sàn. SSI nhìn nhận theo kiểm soát rủi ro, chỉ só sách với với sức tăng trưởng của VN-index, so sánh với kỳ vọng các chi phí vốn khác để xác định mức độ hiệu quả. Với kết quả tự doanh, SSI xác định đã đạt yêu cầu.
Khi SSI thoái vốn thì cổ phiếu tăng – không nền nhìn nhận như vậy. Chúng tôi là nhà đầu tư lớn, khi xác định đúng tiêu chí, đến khi đạt được các tiêu chí đầu tư thì sẽ thoái vốn. Còn sau đó, cổ phiếu tăng, SSI không quan tâm, và không tham gia vào tất cả các câu chuyện làm giá, thổi giá với bất cứ nhóm nào trên thị trường để mua bán cổ phiếu.
Ở SSI không tự doanh trực tiếp trên sàn với NDT, chẳng hạn khi bảo lãnh, mua các block lâu rồi, hoặc mua bán để cân bằng các sản phẩm phái sinh thì SSI thực hiện. Còn “đánh con nọ, mua con kia” thì SSI không làm. Chính vì vậy, SSI làm nhiều deal tư vấn, hay đánh giá cổ phiếu nào tốt như MSN, NVL… giai đoạn qua, nhưng tự doanh SSI cũng không bao giờ giao dịch trực tiếp các cổ phiếu đó trên sàn
Theo ông, lý do gì để nhà đầu tư mở tài khoản tại SSI?
TTCK là một cái chợ có đầy đủ hàng hoá, đối tượng tham gia và giao dịch trong các quy định của chợ đó. Những người giao dịch, không ai "toàn được và toàn mất”, còn người làm nghề như CTCK thì phải nghĩ đến sự trung thực, bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ thị trường.
Ở các nước, ngoài quy định pháp luật, còn có các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, nếu các chuẩn mực này cao hơn quy định pháp luật, thì buộc những người tham gia hành nghề phải tuẩn theo.
Nếu thị trường lên ai cũng vui, nếu chẳng may thị trường đảo chiều xuống lại khác. Lên xuống của thị trường không ai nói được, chỉ khác nhau ở chỗ nếu ông nghĩ nó lên thì ông nói nó lên, hay ông nghĩ nó xuống nhưng hô lên để xả hàng lại khác. SSI luôn đặt lợi ích, an toàn của nhà đầu tư, khách hàng, của thị trường song hành cùng an toàn của công ty. Nếu phát hiện nhân viên nào làm như vậy, sẽ bị kỷ luật. Nhưng, các báo cáo phân tích, nhận định không phải lúc nào cũng đúng.
Ông có nhận định về thị trường từ nay cuối năm?
Năm 2021 là năm phát triển tốt cho TTCK, vì chưa nhìn thấy các rủi ro lớn của khủng hoảng tài chính, hai là lượng tiền chuyển từ tiết kiệm sang chứng khoán lớn tới mức độ khi gần đây CTCK hết margin thì thị trường ảnh hưởng nhiều, nhưng nay kể cả CTCK lớn hết margin, phải giảm room margin thì thị trường vẫn tăng, tiền vẫn vào.
Làm sao giữ thị trường từ nay đến cuối năm vãn tốt, đó là hệ thống phải thống suốt, không có cái gì đấy méo mó, sẽ rất nguy hại, như thứ Năm tuần này đáo hạn phái sinh, thì trong tuần có phiên thứ 3 bị “đơ”, những mã VN30 đều tăng rất nhanh so với 2 phiên đầu. Thực hư không rõ, nhưng đều tạo sự nghi ngại cho nhà đầu tư, xuất hiện nghi ngại là không tốt. Nên cần nhanh chóng cải thiện hệ thống, và nhiều sản phẩm đa dạng hơn cho thị trường.
Ông có đánh giá thị trường giai đoạn tới ra sao?
Là giai đoạn tăng trưởng nhưng phân ra các loại khác nhau, 2021 là năm các quỹ chỉ số là điểm sáng vì các quỹ gồm các rổ chỉ số nhất định, do các tổ chức chuyên nghiệp quản lý.
Ông nghĩ gì về tăng vốn giúp SSI tăng quy mô, mang về lợi nhuận, nhưng cũng khiến pha loãng?
Tăng vốn thì vì nhu cầu sử dụng vốn, có thể kinh doanh tốt hơn với số vốn huy động được. Để là công ty đại chúng, phát triển lành mạnh, tôi nghĩ có khi phải loãng tới mức độ không có một người một nhóm cổ đông nào đó có thể quyết định các vấn đề của công ty.
Năm nay chúng tôi nhìn thấy cơ hội để “tiêu được tiền” rất nhiều, nên chúng tôi tính đến huy động. Dĩ nhiên, với cổ đông lớn Daiwa họ có thể quan tâm, vì có thể họ phải giữ tỷ lệ để hợp nhất vào báo cáo của họ. Còn tôi mục đích là công ty lớn mạnh, còn pha loãng không phải là tiêu chí.
Muốn xây dựng TTCK thành kênh dẫn vốn song song kênh ngân hàng, TTCK phải lớn mạnh, vậy ngoài công ty niêm yết hiệu quả thì thành viên thị trường phải lớn. Với thị trường như bây giờ, lớn nhất cũng chỉ 10.000 tỷ là quá nhỏ, cần phải lớn hơn nữa mới góp phần xây dựng được TTCK lớn mạnh. Không quốc gia nào phát triẻn mà TTCK không phát triển cả.
20 năm ra đời của TTCK đã thấy lợi ích mang lại cho nền kinh tế, cho sự phát triển của đất nước. Trước đây, chỉ cần dự án vài triệu USD đã lớn, nay trên TTCK đã có những thương vụ huy động hàng trăm, hàng tỷ USD. Nếu tăng vốn để hiệu quả hoạt động, để lớn mạnh hơn thì nên làm. Năm nay nhiều công ty có kế hoạch này, tôi thấy mừng vì điều đó.
Thông tin công ty sử dụng nghiệp vụ chứng khoán để giảm giá cổ phiếu với mục đích ép bán để thu hồi margin, thông tin này có thực hay không?
Mọi ngừoi đừng bao giờ nghĩ CTCK muốn ép nhà đầu tư trả margin. Bởi NDT là khách hàng cảa CTCK và bất kỳ CTCK nào ép margin, tức rủi ro nằm ở CTCK rất lớn. Khi ép margin may mà cổ phiếu phục hồi, chứ ép mà người ta nhìn thấy thị trường có thể giảm tiếp, khả năng mất vốn NDT đã cao, thì khả năng mất vốn của CTCK cũng không nhỏ. Nên nếu có nhóm nhà đầu tư nào đấy tôi không biết, còn riêng ở CTCK tôi không tin họ muốn làm gì đó để ép bán nhằm thu hồi margin từ NĐT.