Theo phương án cũ HĐQT Sabeco dự kiến đưa ra trình ĐHCĐ, mức cổ tức năm 2014 và 2015 lần lượt là 23% và 25%. Tuy nhiên, cổ đông Nhà nước đã không đồng ý với phương án này và đề nghị phải nâng cổ tức 2014 lên 25%, còn cổ tức 2015 nâng lên mức 30%.
Đại hội cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với doanh thu ở mức 31.721 tỷ đồng, tăng 2% so với 2014; lợi nhuận sau thuế 3.291 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014. Sản lượng tiêu thụ bia các loại dự kiến 1,425 tỷ lít, trong đó bia Sài Gòn là 1,388 tỷ lít, tăng 2% so với năm 2014.
Tại ĐHCĐ, vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco sẽ diễn ra như thế nào? Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho biết, hiện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty là 89,59% và sẽ được thoái xuống còn 36% theo 2 phương án: bán một lần hoặc bán làm hai lần (lần 1 bán 40% và lần 2 bán 13,59%). Bộ Công thương đã lập ra Ban Chỉ đạo bán vốn Nhà nước tại Sabeco và hiện đang có 9 hồ sơ gửi đến xin mua cổ phần của Sabeco khi Nhà nước thoái vốn.
9 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang muốn sở hữu cổ phần của Sabeco gồm: CTCP Tư vấn và Đầu tư Ánh Dương, CTCP Tập đoàn Đức Bình, Công ty Hưng Thịnh Diamond, CTCP Chứng khoán Sài Gòn, CTCP Tập đoàn Liên Việt; Thaibev (Thái Lan), SAB Miller (Mỹ), Asahi (Nhật Bản), Heinekne (Hà Lan).
“Chỉ những đơn vị đáp ứng đủ điều kiện và có cam kết tốt nhất với cổ đông thì mới có cơ hội. Sabeco như một cô gái đẹp, chàng trai nào muốn làm rể phải đáp ứng những tiêu chuẩn khá cao. Tôi cũng đã gặp Chủ tịch của Thaibev (doanh nghiệp bia lớn nhất Thái Lan) và nói rằng: “Hôn nhân tại Việt Nam không do đôi trai gái quyết định, mà còn phụ thuộc vào gia đình, đoàn thể…”, ông Tuất ví von.
Một vấn đề cũng được nhiều cổ đông quan tâm là khi nào Sabeco lên niêm yết để tăng tính thanh khoản của cổ phiếu Sabeco. Một cổ đông cũng kiến nghị, Sabeco nên phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông trước khi lên sàn vì hầu hết các công ty lớn đều làm việc này. Theo ông Tuất, vì hiện nay việc cổ phần hóa của Tổng công ty mới thực hiện được 10,41%, chưa đủ tỷ lệ 20% theo quy định nên chưa thể niêm yết. Sabeco vẫn là công ty cổ phần có vốn Nhà nước nên việc thưởng cổ phiếu không được quy định, nên rất khó thực hiện.
Trước kiến nghị của cổ đông về việc phát triển mạnh thương hiệu bia Sabeco thông qua hợp tác với các thương hiệu bia lớn của thế giới, ông Tuất cho biết, việc hợp tác cùng ngành vừa có lợi vừa có hại. Chủ nghĩa thôn tính là nguyên tắc trong kinh doanh của các “ông lớn”, nếu Sabeco không cẩn thận sẽ đánh mất thương hiệu vì sự hợp tác này.
Để gia tăng thị phần, lãnh đạo Sabeco cho biết, trong năm nay, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh dự án bia tươi cao cấp phục vụ đối tượng khách hàng trẻ, tăng cường xuất khẩu tại các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Hàn Quốc… Sabeco vừa chiết xong 2 loại bia mới vị chanh và vị trái cây, sắp tới sẽ nghiên cứu bia có vị cà phê, trà.
Một vấn đề lớn mà Sabeco đang phải đối mặt, là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10-20% với đồ uống có cồn có thể làm giảm lợi nhuận tới 900 tỷ đồng, cộng với việc dán tem bia làm giảm 800 tỷ đồng lợi nhuận, lãnh đạo Sabeco cho biết đang trình Bộ Công thương xem xét để có giải pháp gỡ khó cho sản xuất trong nước. Biên lợi nhuận của Sabeco hiện khá thấp, giá bia Sài Gòn đang rẻ hơn 2.000-3000 đồng/chai so với sản phẩm các doanh nghiệp bia ngoại có chất lượng tương đương.
Việc triển khai xây dựng cao ốc của Sabeco cũng đang vướng việc đóng hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế đất để chuyển quyền sở hữu vì quỹ đất hiện tại của Sabeco vẫn là đất đi thuê dài hạn của Nhà nước và quy định đầu tư ngoài ngành.
Trao đổi với ĐTCK, ông Tuất cũng khẳng định, thông tin Sabeco bị đề nghị truy thu thuế vài trăm tỷ đồng/năm là không chính xác.