Đại hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh doanh năm 2024, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, và tập trung triển khai Dự án Làm mới Chiến lược Ngân hàng, chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới.
Về các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2024, cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu quan trọng khác cũng kỳ vọng tăng trưởng như: tổng tài sản dự kiến đạt 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; Dư nợ tín dụng đạt 116.272 tỷ đồng và Huy động từ khách hàng đạt 113.349 tỷ đồng, cùng tăng 13,5% so với năm 2023. Nợ xấu trên tổng dư nợ dự kiến được kiểm soát ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng nhà nước (NHNN).
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ABBANK tập trung vào các nhiệm vụ bao gồm tăng cường các hoạt động thu hút số lượng lớn khách hàng đối với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa & nhỏ (SME), đổi mới sản phẩm theo phân khúc và cải thiện quan hệ khách hàng dựa trên các phân tích chuyên sâu về nhu cầu của khách hàng; Nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên kênh vật lý và kênh ngân hàng số, rà soát địa điểm và tái thiết kế mô hình hệ thống mạng lưới chi nhánh/PGD để có thể tối ưu hoạt động tư vấn giải pháp và dịch vụ cho khách hàng; Tiếp tục tinh gọn các quy trình hoạt động của Ngân hàng.Trong đó, đặc biệt chú trọng vào việc tối ưu hóa các quy trình cho vay thông qua tinh chỉnh mô hình tín dụng, tái thiết kế hành trình cho vay; Chú trọng đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của ngân hàng, trong đó xác định quản trị rủi ro và công nghệ thông tin là những năng lực trọng tâm cần được củng cố và phát triển.
Ông Đoàn Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBANK phát biểu khai mạc Đại hội |
Chia sẻ về kế hoạch phát triển của ABBANK, ông Đào Mạnh Kháng,Chủ tịch HĐQT cho biết: “Năm 2024 sẽ là năm khởi đầu của giai đoạn chiến lược trung hạn mới có tính nền tảng và tạo cơ sở tăng trưởng cho tương lai. Dựa trên những phân tích nghiên cứu toàn diện về thị trường và khách hàng, ABBANK sẽ hoàn thiện và triển khai Kế hoạch chiến lược cho 5 năm tới với các ưu tiên sáng kiến phục vụ nhu cầu của khách hàng theo từng phân khúc trọng tâm. Với quyết tâm chuyển đổi, ABBANK sẽ bứt phá trở lại trong nhóm ngân hàng đạt chất lượng dịch vụ, hoạt động an toàn và tăng trưởng tích cực.”
Trong năm 2024, ABBANK sẽ tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, cũng như mô hình quản trị theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất trên phạm vi toàn hệ thống. Về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, ABBANK sẽ từng bước phát triển và cải thiện hành trình trải nghiệm nội bộ của nhân tài kể từ khi gia nhập tổ chức, xây dựng đề xuất chính sách đãi ngộ khuyến khích sáng tạo, đột phá, khích lệ sự cống hiến để đảm bảo thu hút và giữ chân được đội ngũ cán bộ chất lượng cao tại Ngân hàng.
ABBANK cũng đang thực hiện hàng loạt dự án/sáng kiến chiến lược nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và công tác chuyển đổi hệ thống, trong đó có những dự án trọng điểm như: Triển khai nền tảng số Omni Channel; Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng – CRM; Triển khai giải pháp quản trị dữ liệu Datalake; Dự án xây dựng mô hình bán hàng và dịch vụ…
Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBANK báo cáo kết quả kinh doanh 2023 và kế hoạch kinh doanh 2024 |
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, đại hội thống nhất sẽ để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện các sáng kiến chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của Ngân hàng trong năm 2023 là 298,7 tỷ đồng. Theo đó, cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBANK đang là 1.840,7 tỷ đồng.
Tại đại hội, các cổ đông cũng đã thông qua các báo cáo về thẩm định tài chính; hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2023 và Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Kiểm soát; Cũng như thông qua việc miễn nhiệm và bầu thay thế Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027. Theo đó, danh sách thành viên Ban Kiểm soát mới bao gồm: Bà Nguyễn Thị Hạnh Tâm (Trưởng Ban Kiểm soát); Bà Nguyễn Thị Thanh Thái (Thành viên Ban Kiểm soát) và Ông Nguyễn Hồng Quang (Thành viên Ban Kiểm soát – thay cho bà Phạm Thị Hằng có đơn từ nhiệm trước đó).
Trong phần thảo luận, cổ đông đặt các câu hỏi về mục tiêu phát triển của ngân hàng tới năm 2028, nhu cầu tăng vốn điều lệ, kế hoạch chuyển sàn sang HOSE, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh lợi nhuận 2023 đạt thấp.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng Giám đốc ABBank, lợi nhuận trước thuế năm 2023 sụt giảm do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao. Ngoài ra, trong năm qua, ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực để thực hiện chuyển đổi nâng cao hiệu quả hoạt động...
Kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng cho năm 2024 cũng đòi hỏi nỗ lực lớn vì bên cạnh lợi nhuận, ABBank dự kiến dự phòng rủi ro năm nay vẫn cao lên đến 1.400 tỷ đồng. Như vậy, ABBank phải đạt được 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng.
“ABBANK đã hợp tác với Tổ chức tư vấn chuyển đổi có uy tín là McKinsey để thiết kế và triển khai lộ trình phát triển 5 năm 2024 – 2028 với kỳ vọng đưa Ngân hàng bứt phá trở lại trong nhóm ngân hàng đạt chất lượng dịch vụ, hoạt động an toàn và tăng trưởng tốt trong tương lai, mục tiêu vốn hóa đạt 3 tỷ USD vào năm 2028. Chúng tôi không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng, mà muốn đi đến 2028 một cách lành mạnh”, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBANK trao đổi.