ĐHCĐ DPM: Năm 2015 tiếp tục là năm thách thức

(ĐTCK) Sáng nay, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM)  đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2015 tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ ở Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (Bà Rịa - Vũng Tàu).
ĐHCĐ DPM: Năm 2015 tiếp tục là năm thách thức

Cụ thể, năm 2015, DPM đặt kế hoạch sản xuất 780.000 tấn và tiêu thụ 800.000 tấn đạm Phú Mỹ. Doanh thu đạt 9.246 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.047 tỷ đồng. So với kế hoạch 928 tỷ đồng lợi nhuận kế hoạch đặt ra từ đầu năm, chỉ tiêu lợi nhuận đã được điều chỉnh tăng lên khoảng 30% căn cứ theo tình hình thực tế.

Tại Đại hội, ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT DPM cho biết, DPM đã được chấp thuận chọn tổng thầu EPC cho dự án nâng công suất xưởng NH3 và xây dựng Nhà máy NPK. Dự kiến nhà máy hoàn thành vào quý III/2017.

Các cổ đông lo lắng về khả năng cạnh tranh các sản phẩm của DPM so với các đối thủ, nhất là với DCM. Về vấn đề này, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc DPM cho biết, mặc dù nhà máy DPM không mới bằng, nhưng vẫn thuộc cùng một thế hệ công nghệ hiện đại nhất hiện nay, giống như DCM. Hai nhà máy chỉ khác nhau công nghệ tạo hạt trong và hạt đục. Hai công nghệ này vẫn song song tồn tại xuất phát từ nhu cầu sử dụng khác nhau.

..........................
Dưới đây là diễn biến đại hội.

12h

Ban thứ ký đọc biên bản kiểm phiếu. Kết quả, các tờ trình đều được thông qua. Các cổ đông đăng ký sẽ đi tham quan nhà máy sau khi Đại hội kết thúc.

....................

11h46

Ông Dương Trí Hội, Phó tổng giám đốc: Việc tăng giảm giá đạm urea theo giá thị trường, nhưng về dài hạn với giá dầu hiện nay thì giá phân đạm khó tăng.

Ông Dương: Giá bán đạm Phú Mỹ luôn cao hơn giá các sản phẩm, nhưng mức cao hơn ở mức nào để thị trường chấp nhận. Giá cao hơn 300 đồng/kg thì chấp nhận được, ở mức an toàn.

.....................

11h 44

Bà Hiền: Về việc mua cổ phiếu quỹ, chúng tôi đã mang ra đánh giá một cách nghiêm túc và cho rằng chỉ sử dụng việc mua cổ phiếu quỹ như một biện pháp ổn định tâm lý khi thị trường có những biến động tác động đến giá cổ phiếu.

.......................

11h33

Cổ đông Vũ Xuân Toàn: DPM có biện pháp gì cạnh tranh với DCM?

Ông Dương: Nhà máy DCM đi vào vận hành sau 10 năm vận hành DPM. Mặc dù nhà máy DPM không mới bằng, nhưng vẫn thuộc cùng một thế hệ công nghệ hiện đại nhất hiện nay, giống như DCM. Hai nhà máy chỉ khác nhau công nghệ tạo hạt trong và hạt đục. Hai công nghệ này vẫn song song tồn tại xuất phát từ nhu cầu sử dụng khác nhau.

.....................

11h

Câu hỏi của quỹ dầu tư VFM: Tác động của việc không khấu trừ thuế VAT đầu vào? Giá bán sản phẩm quý 1 là bao nhiều?

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch HĐQT: 300 tỷ đồng thuế VAT không được không trừ tính vào chi phí là con số tương đói lớn mà chúng tôi ước tính trong năm 2015 này.

Ông Dương: Quý 1/2015 đã chứng kiến sự sụt giảm giá bán urea, do giá dầu giảm dấn đến giá khí và than giảm. Giá bán urea là 7.500 đồng/kg, giảm khoảng 5%, nhưng còn thấp hơn giá quốc tế giảm đến 12%. Giá giảm có độ trễ so với giá đầu vào.

Cổ đông Phạm Thị An: Biện pháp hạn chế, khắc phục rò rỉ, vận hành an toàn của Nhà máy Đạm Phú Mỹ?

Ông Dương: Nhà máy hoạt động một thời gian dài hoạt động cũng “mệt mỏi”. Nhà máy có loại thiết bị tĩnh và động. Thiết bị tĩnh nhà bể chứa chuẩn đoán khó hơn, nhưng chúng tôi có phần mềm dự đoán đánh giá tuổi thọ để dự đoán khi nào xảy ra sự cố. Chúng tôi có bảo dưỡng hàng ngày và bảo dưỡng lớn 2 năm một lần dừng hoạt động 25 ngày để bảo dưỡng. Chúng tôi thường xuyên áp dụng cộng nghệ hiện đại dò tìm các sự cố có thể xảy ra trong tương lai để có biện pháp khắc phục. Xin cổ đông yên tâm là nhà máy có công nhân lành nghề và yêu nghề để đảm bảo vận hành nhà máy, khắc phục hạn chế các sự cố.

.....................

10h30

Sau giờ giải lao, Đại hội bước vào phần thảo luận.

Cổ đông: Xin công ty cho biết, có khó khăn trong việc thị phần hay không. Tại sao doanh thu năm 2014 đạt hơn 90% mà lợi nhuận chỉ bằng 50% so với năm trước?

Ông Dương: Như cổ đông đã biết, cạnh tranh giữa các công ty sản xuất phân bón, urea rất khốc liệt khi dư cung 30%. Rất khó khăn để giữ thị phần cạnh tranh, phải cắt giảm chi phí để có giá thành cạnh tranh, trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chúng tôi tin tưởng, với nỗ lực sẽ giữ vững thị phần 40% trên cả nước, tức duy trì được sản lượng sản xuất 100% công suất của nhà máy. Còn đối với thị phần phía Bắc sẽ giữ thị phần 25%, do miền Bắc là “sân nhà” của Đạm Ninh Bình. Thị trường Tây Nam Bộ thị phần khoảng 35% do đây là “sân nhà” của Đạm Cà Mau. Thị phần ở miền Trung Tây Nguyên và Đông Nam Bộ từ 70-75%.

Doanh thu 2014, giá khí trong giai đoạn đầu năm rất cao làm tăng giá thành sản xuất và nhà nước siết tải trọng đường bộ làm chi phí vận chuyển tăng cao, chẳng hạn lên Tây Nguyên phí vận chuyển tăng gấp đôi, trong khi giá bán phân bón giảm so với 2013 do cạnh tranh khối liệt trong nước khi các đối thụ cạnh tranh giảm giá và thị trường quốc tế nguồn cung cũng tăng lên nên giá phân bón giảm. Điều đó dẫn đến biên lợi nhuận của DPM giảm nên lợi nhuận 2014 giảm so với 2013.

.....................................

10h15

Đại hội bước vào giờ nghỉ giải lao.
...........................

9h52

Trình bày phương án phân phối lợi nhuận năm 2014, theo đó sẽ chi cổ tức 30% bằng tiền mặt (đã tạm ứng 15%) và trích quỹ phúc lợi 12%.

Ông Lê Văn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc trình bày về báo cáo thù lao HĐQT và BKS năm 2014 và dự toán 2015. Theo đó, thù lao HĐQT là 2,9 tỷ đồng, kế hoạch 3,19 tỷ đồng. Tiền thưởng và thu nhập khác 1,78 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch 1,93 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015, tiền thù lao, tiền thưởng của HĐQT là 4,74 tỷ đồng, Ban Kiểm soát 1,59 tỷ đồng, dự phòng 10% là 633 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ, DPM sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu ESOP dự kiến thực hiện trong quý 2/2015 với tỷ lệ 3% trên tổng số 3.800 tỷ đồng vốn điều lệ của DPM với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền phát hành 114 tỷ đồng.

Theo tờ trình thông qua giao dịch hợp đồng mua khí 2016-2019, thì giá khí tình theo công thức bằng 46% giá dầu trung bình MFO cộng cước phí vận chuyển và phân phối bằng 0,630 USD/MMBTU.

Lộ trình cước phí vận chuyển và phân phối khí từ 2015 đến năm 2019 lần lượt là 0,92; 0,94; 0,96; 0,98 và 1.0 USD/triệu BTU (cước phí bể Cửu Long áp dụng cho nhà máy Đạm Phú Mỹ ).

ĐHCĐ DPM: Năm 2015 tiếp tục là năm thách thức ảnh 1

 Tổng giám đốc DPM trao đổi với đại diện các quỹ đầu tư trong giờ nghỉ giải lao

……………………

9h30
Dự báo về thách thức năm 2015, ông Dương nói: Sang năm 2015 tiếp tục là năm thách thức khi giá dầu thô tiếp nối đà giảm của năm trước. Giá dầu thô dẫn đến nhu cầu nhiên liệu sinh học giảm, sản xuất nông sản trên toàn thế giới giảm, dẫn đến nhu cầu phân bón toàn thế giới giảm. Hệ quả là giá phân bón sẽ giảm, đây là yếu tố tương đối bất lợi với DPM trong năm 2015, nhất là trong bối cảnh thị trường trong nước cạnh tranh gay gắt hơn, nguồn cung 2,6 triệu tấn dư 30% so với nhu cầu trong nước, chưa kể lượng ure nhập khẩu.

Từ 1/7 tới, thuế VAT của phân bón đầu ra sẽ không được khấu trừ, ước tính 300 tỷ đồng tiền thuế không được khấu trừ sẽ phải hạch toán vào giá thành, tương ứng làm giảm lợi nhuận của DPM. Một số lý do khách quản ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DPM là máy móc sau thời gian dài vận hành sẽ hoạt động kém phần ổn định hơn trước, tỷ giá cũng có xu hướng tăng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh do giá khí tính theo giá USD và có hoạt động nhập khẩu phân bón.

Sở dĩ sản lượng và doanh thu của DPM năm 2015 đặt ra giảm so với năm 2014 lý do là nhà máy Đạm Phú Mỹ có 1 tháng dừng để bảo dưỡng.

....................................

Cổ phiếu dầu khí, cơ hội sinh lời năm 2015

ĐHCĐ DPM: Năm 2015 tiếp tục là năm thách thức ảnh 2

Tính đến đầu tháng 4/2015, tổng giá trị vốn hoá của 32 mã cổ phiếu doanh nghiệp thành viên PVN trên cả 3 sàn giao dịch chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) là hơn 181.000 tỷ đồng, chiếm 16,18% tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch chiếm 15,25% toàn thị trường. Trong đó, 10 cổ phiếu trong rổ chỉ số PVN10 chiếm 14,78% giá trị giao dịch toàn thị trường, giao dịch khối ngoại chiếm 18,34%.

.....................................

9h00

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc DPM thay mặt Ban điều hành cho biết, tỷ lệ cổ tức năm 2014 được đề nghị thông qua là 30% cao hơn tỷ lệ cam kết tối thiểu tại ĐHCĐ năm ngoái là 5%. Như vậy, Ban điều hành đã thực hiện được lời hứa với cổ đông về tỷ lệ cổ tức tối thiểu.

Về kết quả kinh doanh quý I, ông Dương cho biết, tổng doanh thu đạt 3.286 tỷ đồng, đạt xấp xỉ kế hoạch. Riêng lợi nhuận đạt 560 tỷ đồng, vượt 133% kế hoạch quý I, chủ yếu do giá khí giảm dẫn đến biên lợi nhuận DPM tăng. Kế hoạch này bằng 60% kế hoạch năm trình ĐHCĐ thông qua.

DPM sẽ ký hợp đồng EPC trong tháng 4 này và nếu mọi việc thuận lợi, sau 24 tháng nữa, khoảng tháng 4/2017, DPM có thêm 90 tấn NH 3 và có thêm sản phẩm mới là 250.000 tấn phân bón NPK chất lượng cao và góp phần tăng gấp rưỡi doanh thu hiện nay. Chúng ta sẽ có doanh thu khoảng 14.000 tỷ đồng và có thêm 600 tỷ đồng lợi nhuận môi năm. Dự án này sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào một sản phẩm duy nhất của DPM.

……………………

8h45

Ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT DPM thay mặt HĐQT cho biết, DPM đã được chấp thuận chọn tổng thầu EPC cho dự án nâng công suất xưởng NH3 và xây dựng Nhà máy NPK. Dự kiến nhà máy hoàn thành vào quý III/2017.

Theo kế hoạch năm 2015, DPM sản xuất 780.000 tấn và tiêu thụ 800.000 tấn đạm Phú Mỹ. Doanh thu  đạt 9.246 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.047 tỷ đồng. So với kế hoạch 928 tỷ đồng lợi nhuận kế hoạch đặt ra từ đầu năm, chỉ tiêu lợi nhuận đã được điều chỉnh tăng lên khoảng 30% căn cứ theo tình hình thực tế.

Theo Tập đoàn Dầu khí, DPM là doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm do giá khí đầu vào được tính theo giá dầu FO.

…………………

8h30

Đại hội bắt đầu tiến hành các thủ tục cần thiết để bắt đầu khai mạc.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục