Dệt may Việt Nam có thể suy thoái hơn nữa do làn sóng COVID-19 mới ở châu Âu và Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC vừa gửi báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam với nhận định, các cuộc điều tra từ phía Hoa Kỳ liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Một số chỉ số kinh tế chính Một số chỉ số kinh tế chính

Theo HSBC, ngay khi người ta nghĩ rằng căng thẳng thương mại tạm lắng trong năm nay do đại dịch COVID-19 đang diễn ra, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã khởi xướng hai cuộc điều tra theo điều khoản 301, Luật Thương mại năm 1974 về việc định giá tiền tệ và hoạt động xuất khẩu gỗ. Ở một số quốc gia, những cuộc điều tra này thường dẫn đến việc áp thuế suất. Điều này có ý nghĩa gì đối với Việt Nam?

Báo cáo cho rằng, mặc dù hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây nhưng trên tổng thể hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ thì mặt hàng này chỉ chiếm dưới 10%.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu thuế quan được áp đặt, thì tác động sẽ tương đối ít. Tuy nhiên, điều này khiến chúng ta suy nghĩ về thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam so với Hoa Kỳ.

“Trong khi một số hoạt động chuyển tải trái phép đã được cảnh báo trong quá khứ, phần lớn thặng dư thương mại của Việt Nam so với Mỹ ngày càng tăng là do cơ sở sản xuất các mặt hàng điện tử của Việt Nam đang tăng được phản ánh nhờ vào dòng vốn FDI duy trì trong nhiều năm. Điều này trái ngược với các hành vi giao thương bất hợp pháp hoặc phá giá tiền tệ”, báo cáo nhận định.

Nhờ dữ liệu lạc quan của tháng 10, HSBC cho rằng, Việt Nam bắt đầu quý IV/2020 trên một bước tiến vững chắc. Xuất khẩu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2020, tăng 9,9% so với cùng kỳ trong tháng 10.

Xuất khẩu và PMI: Một bức tranh màu hồng

Trong khi dệt may và giày dép vẫn là lực cản đối với tăng trưởng xuất khẩu, các lô hàng điện tử liên quan đến máy tính đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái để bù đắp cho sự suy yếu ở những nơi khác. Xuất khẩu điện thoại cũng tăng trưởng, đảo ngược sự giảm sút trong 2 tháng qua, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10.

"Với làn sóng COVID-19 mới ở châu Âu và Hoa Kỳ - những điểm đến chính của Việt Nam đối với hàng may mặc, chúng tôi không thể loại trừ khả năng sự phục hồi bị đình trệ hoặc thậm chí là sự suy thoái hơn nữa trong ngành may mặc. Điều đó cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu liên quan đến công nghệ sẽ vẫn phục hồi tương đối…", báo cáo nhận định.

Báo cáo HSBC cũng cho biết, trong khi đó, chỉ số PMI tháng 10 cho thấy sự mở rộng xuất khẩu vững chắc. Chỉ số PMI tiêu đề tiếp tục mở rộng ở mức 51,8, mặc dù thấp hơn một chút so với tháng 9.

Các chỉ số chính như sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng. Đặc biệt, khoảng cách giữa các đơn đặt hàng mới và hàng tồn kho tiếp tục rộng ra, điều này báo hiệu tốt cho sản xuất trong tương lai.

Ngoài ra, thật đáng khích lệ khi thấy sự cải thiện trong thị trường việc làm trong lĩnh vực sản xuất, điều này sẽ thúc đẩy công việc phục hồi, hỗ trợ hơn nữa chi tiêu của người tiêu dùng. Trên thực tế, tiêu dùng tư nhân tiếp tục phục hồi, với doanh số bán lẻ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10.

Lạm phát: Áp lực giá đang giảm dần

Theo HSBC, có tin tốt về mặt lạm phát.

Cụ thể, tỷ lệ lạm phát toàn phần giảm xuống 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với kỳ vọng của HSBC. Lạm phát lương thực giảm 0,1% so với tháng trước, chuyển thành mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái dưới 10% lần đầu tiên trong sáu tháng qua. Điều này có thể là do giá thịt lợn giảm, do các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn.

“Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt hàng thực phẩm đều có mức giảm tương tự. Ví dụ, giá rau tăng do ảnh hưởng của các cơn bão gần đây. Nhìn chung, giá lương thực sẽ tiếp tục ở mức vừa phải trong 2 tháng còn lại của năm 2020 do mức cao so với năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát trung bình khoảng 3,4% vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4% của NHNN”, các chuyên gia phân tích của HSBC nhận định.

Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục