Dệt may thương mại đầu tư Thành Công (TCM) tiếp tục đầu tư tăng sản lượng

(ĐTCK) Ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị CTCP Dệt may thương mại đầu tư Thành Công (TCM) chia sẻ, TCM sẽ tiếp tục đầu tư để tăng năng lực sản xuất cũng như gia tăng tỷ suất lợi nhuận sản xuất hàng dệt may xuất khẩu trong năm 2019. 
ông Trần Như Tùng. ông Trần Như Tùng.

Thưa ông, có thuận lợi và khó khăn cơ bản nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh năm 2019 của TCM?

Hội đồng quản trị TCM đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2019 khoảng 3.953 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 242 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2018. Quý I, dự báo lợi nhuận sau thuế tăng từ 25 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. TCM đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2019.

Điểm thuận lợi là nhà máy may Trảng Bàng với công suất 5 triệu sản phẩm/năm đã đi vào hoạt động ổn định và chạy hết công suất. Năng suất lao động của cả 2 nhà máy Vĩnh Long và Trảng Bàng cũng được cải thiện so với năm 2018. TCM sẽ giảm được đơn hàng gia công bên ngoài, từ đó có thể kiểm soát được chất lượng và nâng cao biên lợi nhuận.

Ngoài ra, đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được thông qua trong năm nay, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và TCM nói riêng.

Khó khăn chính là giá điện, giá nhân công đang tăng, làm giá thành tăng, ảnh hưởng tới lợi nhuận. Ngoài ra, sự dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc và các nước không thuộc khối CPTPP sang Việt Nam để hưởng lợi từ hiệp định này có thể làm cho các doanh nghiệp trong nước khó khăn hơn, vì lực lượng lao động dịch chuyển sang các nhà máy FDI có chính sách thu nhập tốt hơn. 

Trong bối cảnh đó, TCM sẽ làm gì để gia tăng biên lợi nhuận, đảm bảo tăng trưởng?

Chúng tôi tập trung vào 3 điểm chính. Thứ nhất, cải tiến liên tục các công đoạn tại các nhà máy của TCM, tăng năng suất lao động để rút ngắn thời gian sản xuất đơn hàng. Điều này đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xu hướng thời trang nhanh (fast fashion) của thế giới. Tập trung vào tăng doanh thu ở những mặt hàng, sản phẩm có biên lợi nhuận cao.

Thứ hai, tiếp tục tập trung vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), hợp tác với Viện Dệt may Kotiti Hàn Quốc tạo ra những sản phẩm vải đặc thù như vải chống thấm, chống cháy, vải được làm từ những nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho TCM. Ngoài ra, TCM có chuỗi sản xuất khép kín từ sợi trở đi nên có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn trong các hiệp định thương mại tự do. CPTPP là cơ hội để TCM mở rộng thị trường xuất khẩu tại các nước trong khối như Úc, Canada…

Thứ ba, TCM tiếp tục đào tạo và phát triển con người thông qua các chương trình đào tạo hàng năm, chương trình “Thành công - thế hệ tiếp nối” tuyển dụng những sinh viên giỏi từ các trường đại học để đào tạo và phát triển. 

TCM có kế hoạch đầu tư để gia tăng công suất nhằm tận dụng cơ hội mở rộng thị trường?

Nhằm đáp ứng nhu cầu cho đơn hàng trong tương lai, TCM sẽ đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tăng sản lượng vải xuất sang thị trường Nhật. Công ty cũng đang chuẩn bị các bước tiếp theo để đầu tư giai đoạn 2 tại Khu công nghiệp Hòa Phú, Vĩnh Long trong những năm tiếp theo, với chiến lược “đơn hàng có trước, nhà máy theo sau”, để dòng vốn đầu tư được hiệu quả. 

Công ty đã làm gì để có đơn hàng khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do, thưa ông?

Hiệp định CPTPP sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập các thị trường khác, đặc biệt là 2 thị trường lớn nhất trong khối là Canada và Úc. Hiện nay, TCM đã làm việc với các khách hàng lớn ở 2 thị trường này và sẽ phải chờ sự đánh giá của khách hàng sau một thời gian nữa. Mới đây, TCM cũng đã bắt đầu thăm dò thị trường Anh để chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài của Công ty ngay sau khi Hiệp định EVFTA được thông qua.

TCM tự sản xuất vải nên rất có lợi thế khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, vì doanh nghiệp muốn hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các thị trường thành viên phải đạt điều kiện xuất xứ từ sợi được sản xuất trong CPTPP.

Tuy CPTPP mang lại cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam, nhưng có không ít ý kiến quan ngại, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi trung chuyển hàng từ Trung Quốc để xuất đi các nước thành viên CPTPP. Hiện tại, theo quan sát của tôi, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có động thái thuê đất ở các khu công nghiệp Việt Nam để chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang yếu thế trước các doanh nghiệp FDI về vốn cũng như mức độ cạnh tranh của giá sản phẩm.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục