Dệt may Thành Công (TCM): Tới năm 2025, doanh thu ước đạt 300 triệu USD

(ĐTCK) Sáng nay (12/4), Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM – HOSE) đã thông một số tờ trình như kế hoạch kinh doanh 2019, tăng vốn điều lệ và chiến lược tái cơ cấu trong 5 năm tới.
Dệt may Thành Công (TCM): Tới năm 2025, doanh thu ước đạt 300 triệu USD

Theo kế hoạch kinh doanh 2019, TCM ước doanh thu đạt 3.952,70 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 7% xuống 241,865 tỷ đồng. Cổ tức theo tỷ lệ 12%, bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu sẽ tùy vào tình hình cụ thể.

Về kế hoạch tăng vốn, dự kiến trong tháng 8 năm nay, TCM sẽ phát hành thêm gần 3,8 triệu cổ phiếu, qua đó, nâng vốn điều lệ lên hơn 580 tỷ đồng.

Về chiến lược phát triển của TCM trong năm 2019, bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty nhấn mạnh, công tác tiếp tục cải tiến mảng sản xuất sợi, quản trị rủi ro, đặc biệt đối với các khách hàng nước ngoài và cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giảm giá sản phẩm.

Theo định hướng của HĐQT, TCM sẽ cải tiến đổi mới các lĩnh vực kém hiệu quả, kinh doanh nội địa, kinh doanh các mặt hàng mới được thiết kế từ R&D, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vải và sợi tồn kho.

Mặt khác, TCM sẽ tập trung tìm kiếm thông tin về thị trường, diễn tiến các FTA…, nhằm đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, đơn hàng mới, đặc biệt nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định CPTPP, EVFTA để phát triển khách hàng từ những thị trường mới tiềm năng EU, Canada, Úc…

Về tổng vốn đầu tư cho năm 2019, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT cho biết, ước tính là 5 triệu USD. Trong đó, 90% sẽ dùng đầu tư máy móc thiết bị cho nhà máy vải tại Vĩnh Long.

Đối với dự án bất động sản TC One (TC 1) - dự án mà TCM góp đất và đối tác nước ngoài góp vốn phát triển, vẫn đang trong thời gian hoàn thiện pháp lý và dự kiến cuối năm 2019 sẽ khởi công.

Giá bán TC 1 ước tính 1.200 USD/m2 tại thời điểm mở bán, phê duyệt cho phép xây 14 tầng.

TC 2 là dự án nhà máy sắp triển khai tại Vĩnh Long, 2 dự án còn lại TC3 và TC4 tại quận 4 chưa chuyển mục đích sử dụng. Còn đối với, dự án resort tại Phan Thiết có thể TCM sẽ chuyển nhượng.

“Trong 5 năm tới, từ 2019-2025, TCM sẽ xây thêm nhà máy nhuộm, vải và may. Dự kiến, doanh thu năm 2025 sẽ đạt 300 triệu USD. Hiện tại các nhà máy đang hoạt động 100% công suất, và để đáp ứng nhu cầu nếu đơn hàng gia tăng, TCM đã vừa hoàn tất việc mua lại nhà máy Trảng Bàng”, ông Tùng chia sẻ.

Tại phần thảo luận, cổ đông lo ngại việc giảm mảng sợi có thể mất ưu đãi về thuế. Ban lãnh đạo cho biết, dây chuyền sản xuất khép kín từ sợi cho đến vải là ưu thế của TCM để được ưu đãi về thuế khi tham gia CPTPP. Thực tế, mảng sợi nhiều năm qua vẫn lỗ, nhưng công ty cũng đang tái cấu trúc để phát triển mảng này.

Về thắc mắc của cổ đông do kế hoạch kinh doanh 2019 đặt ra thấp hơn mức tăng trưởng ngành, ông Lee Eun Hong, Tổng giám đốc Công ty cho biết, kế hoạch thận trọng vì công ty đang trong giai đoạn tái cấu trúc khách hàng với hướng dịch chuyển cơ cấu khách hàng có biên lợi nhuận thấp lên khách hàng có biên lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, Công ty vẫn lạc quan nhận định khả năng thực hiện trong năm 2019 có thể cao hơn kế hoạch đề ra. "Hiện có một số đơn hàng lớn đủ để công ty thực hiện đến tháng 8, như vậy kế hoạch cả năm là khá khả quan", ông Lee Eun Hong cho biết thêm.

Một cổ đông thắc mắc việc TCM có thể nới room cho nhà đầu tư nước ngoài hay không, ông Tùng cho biết, HĐQT cũng có mong muốn nới room, tuy nhiên, do TCM có hoạt động bất động sản nên hiện tại không thể nới thêm. TCM đang chờ ý kiến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề này.

Ninh Cơ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục