Dệt may năm 2017, khó vẫn có lối đi riêng

(ĐTCK) Năm 2016 là năm khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam. Năm 2017, ngành dệt may được dự báo không khá hơn năm ngoái, nhưng một số doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch tăng trưởng cao.
Dệt may năm 2017, khó vẫn có lối đi riêng

Nhiều yếu tố bất lợi

Năm 2016, nhu cầu chung trên thế giới suy giảm, Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá sợi, chi phí đầu vào gia tăng, tỷ giá biến động, áp lực cạnh tranh gia tăng...

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) cho rằng, năm 2017, ngành may nói riêng có thể khó khăn hơn năm 2016.

Trước hết, sức mua tại nhiều thị trường có dấu hiệu tiếp tục giảm, tại các thị trường lớn như Mỹ thì tạm ổn định, nhưng thị trường EU thì không khả quan. Đối với GMC, hơn 50% doanh thu đến từ thị trường Mỹ, gần 35% doanh thu từ EU và 10% từ Nhật Bản. Khi các thị trường này có biến động, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chịu áp lực về chi phí khi chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… tăng lên. Đơn cử, tại GMC, với số lượng lao động lớn hiện nay thì chi phí bảo hiểm xã hội ước tính sẽ tăng thêm 9 tỷ đồng trong năm 2017.

Đáng chú ý, lao động giá rẻ hiện nay không còn là lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ngành may là ngành thâm dụng lao động, chi phí tiền lương chiếm tỷ trọng lớn. Hiện các nước cạnh tranh chính với hàng dệt may Việt Nam như Campuchia, Bangladesh, Myanmar… có chi phí lao động chỉ bằng một nửa chi phí lao động tại Việt Nam.

Ông Hùng cho biết, lương công nhân dệt may ở các nước này chỉ khoảng 100 USD/tháng, còn mức lương tại GMC là 250 USD/tháng. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh là khả năng làm những sản phẩm đòi hỏi chất lượng và kỹ thuật cao.

Một yếu tố bất lợi khác là tình hình cạnh tranh trong nước trở nên gay gắt khi áp lực nguồn cung trong nước gia tăng, đặc biệt nguồn cung đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện khối doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% doanh thu xuất khẩu toàn ngành.

Với những yếu tố tác động trên, ông Hùng chia sẻ, Hội đồng quản trị GMC dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng, tăng hơn 5%, nhưng lợi nhuận trước thuế ở mức 68 tỷ đồng, giảm nhẹ 10% so với thực hiện năm 2016.

TCM tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao

Ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, năm 2017, TCM sẽ tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao. Chẳng hạn, đối với sản phẩm áo, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.288 tỷ đồng, doanh thu sản phẩm vải đạt 363 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 32% so với thực hiện năm 2016.

Mặt khác, Công ty sẽ cải thiện hiệu suất hoạt động của Nhà máy Vĩnh Long, đồng thời tiết giảm chi phí thông qua việc dừng hoạt động một số khâu sản xuất không tạo ra giá trị do máy móc thiết bị đã cũ, năng suất thấp.

Năm nay, TCM đặt kế hoạch doanh thu 3.315 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 177,7 tỷ đồng, tăng 55% so với thực hiện năm 2016.

Được biết, TCM là doanh nghiệp có quy trình sản xuất khép kín từ sợi, dệt, nhuộm, may.

STK sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sợi POY

Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược và phát triển doanh nghiệp Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) cho hay, trong quý IV/2016, các đơn hàng cho mặt hàng sợi DTY của STK ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ giảm 91% về doanh số và 90% về doanh thu so với quý III/2016 do tác động của việc nước này đánh thuế chống phá giá đối với sản phẩm sợi DTY của Công ty ở mức 34,81%.

Giải pháp của STK là xuất khẩu sợi POY sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vì nhu cầu sợi POY ở thị trường này khá cao. Ngoài ra, STK sẽ phát triển khách hàng ở thị trường nội địa, thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và sắp tới là thị trường Nhật Bản. Nếu khả quan, STK có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mexico.

Năm 2016, Công ty phát triển được 87 khách hàng mới, trong đó có 34 khách hàng đến từ Hàn Quốc. Riêng quý IV, con số này là 18, trong đó khách hàng đến từ Hàn Quốc là 8 đơn vị.

Về sản phẩm, theo bà Chi, tình hình tiêu thụ sợi tái chế của STK rất khả quan, đơn hàng sợi tái chế đã tăng đáng kể trong quý IV/2016, đạt 660 tấn và 25,13 tỷ đồng. Cả năm 2016, doanh thu từ sợi tái chế chỉ đóng góp khoảng 1% tổng doanh thu, nhưng năm 2017, dự kiến tỷ trọng sẽ tăng lên khoảng 10%.

Thực tế, đang có xu hướng gia tăng tỷ trọng sợi tái chế polyester trong tổng khối lượng nguyên vật liệu sử dụng của các thương hiệu lớn như Nike Adidas, Uniqlo. Mặt khác, với công bố chính thức hồi đầu tháng 1/2017 của Unifi về việc chỉ định STK làm nhà sản xuất nhượng quyền thương hiệu REPREVE tại Việt Nam, dự kiến sẽ có nhiều khách hàng tìm đến STK để mua sản phẩm sợi này. Ngoài tiệu thụ tại thị trường trong nước, STK sẽ xuất khẩu mặt hàng sợi tái chế polyester ra các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc theo chỉ định của Unifi.

Năm 2017, STK đặt kế hoạch đạt gần 1.915 tỷ đồng doanh thu, tăng 41%; lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, tăng 3 lần so với thực hiện năm 2016.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục