Dệt may khởi động lại mảng kinh doanh cốt lõi

Song song với việc hoàn thành các đơn hàng khẩu trang cho thị trường nội địa và xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may đang khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi sau thời kỳ gián đoạn do Covid-19.
Một số doanh nghiệp dệt may đang chuẩn bị kế hoạch để tiếp tục sản xuất các mặt hàng vốn là thế mạnh. Ảnh: Đức Thanh Một số doanh nghiệp dệt may đang chuẩn bị kế hoạch để tiếp tục sản xuất các mặt hàng vốn là thế mạnh. Ảnh: Đức Thanh

Cầm cự bằng sản xuất khẩu trang

Đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh vì Covid-19, nhưng những ngày này, công nhân của Tập đoàn Pro-Sport (Nam Định) vẫn làm việc tại nhà máy, gấp rút hoàn thành các lô hàng khẩu trang, thay vì hàng thời trang như trước thời điểm dịch bệnh.

Ông Phan Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Pro-Sport cho biết, trong bối cảnh hiện nay, sản xuất khẩu trang dù không mang lại doanh thu quá lớn, nhưng ít nhất cũng giúp người lao động có việc làm và doanh nghiệp có cơ hội duy trì hoạt động.

Pro-Sport không phải là doanh nghiệp duy nhất chuyển hướng sang may khẩu trang. Ngành dệt may hiện có cả trăm doanh nghiệp chọn sản xuất mặt hàng này nhằm thế chỗ cho các đơn hàng thiếu hụt, tạo doanh thu để cầm cự qua giai đoạn khó khăn.

Tại Khu công nghiệp Hoàng Mai (Hà Nội), gần 200 công nhân của Công ty CP Kết nối châu Âu (Eurolink) cũng đang khẩn trương hoàn thành các đơn hàng khẩu trang để giao cho đối tác tại phía Nam. Danh mục hàng sản xuất của Eurolink hiện chỉ còn duy nhất khẩu trang, thay vì sơ mi, quần tây… như trước. Ông Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc điều hành Euro - Link chia sẻ, nhờ có các đơn hàng khẩu trang lớn từ các cơ quan, đơn vị, mà Công ty trụ lại được đến giờ này.

Với lợi thế sản phẩm đã có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn của Bộ Y tế, tiêu chuẩn tiệt trùng, tiêu chuẩn QCVN01:2017, Eurolink không chỉ phục vụ khách nội địa, mà còn được các đối tác Ấn Độ và Hàn Quốc đặt hàng với sản lượng lớn.

Covid-19 bùng phát khiến ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với “cú sốc kép”, ban đầu là đứt gãy nguồn cung nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, tiếp đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực như EU, Mỹ… bị “đóng băng”, khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng.

Trước tình thế đó, khoảng 15% doanh nghiệp dệt may đã chọn sản xuất khẩu trang để cầm cự trong khi không có đơn hàng xuất khẩu. Từ đầu tháng 3 đến nay, VietGo - công ty chuyên tư vấn xúc tiến xuất khẩu - đã kết nối cho hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải. Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc VietGo cho biết, nhu cầu khẩu trang của thị trường rất lớn, khách hàng đặt liên tục, ban đầu có thể là vài ngàn sản phẩm, sau tăng lên cả triệu sản phẩm.

Sẵn sàng nguồn lực để hoạt động trở lại

Khẩu trang chỉ là mặt hàng mặt hàng thời vụ, tính ổn định không cao. Khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu khẩu trang tăng mạnh, nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu sẽ giảm xuống. Xác định rõ điều này, nên nhiều doanh nghiệp dệt may tận dụng tối đa dây chuyền sản xuất sẵn có, chứ không đầu tư quá đà.

Tại thời điểm này, Eurolink đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực để quay trở lại sản xuất hàng thời trang cao cấp mang thương hiệu Giovanni để phục vụ thị trường nội địa sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch. Đây mới là mặt hàng chủ lực, mang lại doanh thu lớn của Công ty.

“Ngày 19/4 vừa qua, chúng tôi đã cho mở lại cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Phú Thọ. Hy vọng, trong thời gian tới, lượng cửa hàng bán lẻ được mở lại tại các thành phố lớn gia tăng, để hoạt động sản xuất, kinh doanh được trở lại bình thường”, ông Hưng nói.

Với Eurolink, thị trường nội địa giữ vai trò chủ đạo, bởi gần 100% sản phẩm của Công ty đều phục vụ thị trường trong nước, không chỉ với nhóm hàng dệt may, mà cả giày dép, túi xách, cặp, ví. Ông Hưng cho biết, sau đợt dịch này, Tập đoàn Giovanni (Giovanni Group), Công ty mẹ của Eurolink cũng sẽ cải tổ lại kế hoạch kinh doanh, thay đổi cơ cấu mặt hàng cho phù hợp với nhu cầu thị trường, bởi sức mua đối với hàng thời trang chắc chắn sẽ bị giảm sút, khi người tiêu dùng dành ưu tiên cho nhóm hàng thiết yếu.

Trong khi đó, một nhà bán lẻ hàng dệt may quy mô lớn tại phía Bắc xác nhận, từ giữa tháng 4, doanh nghiệp đã làm việc lại với các đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ để sớm quay lại kinh doanh. Số lượng cửa hàng sẽ được mở lại dần dần, ưu tiên những điểm kinh doanh đông cân cư trước.

“Việc gỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may dần trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dù sức tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn này sẽ bị giảm đi nhiều do người tiêu dùng ưu tiên cho nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men...”, đại diện doanh nghiệp này xác nhận.

Dệt may là ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đang đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau nhóm hàng điện thoại.

Năm 2019, ngành dệt may đóng góp 39 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục