Dệt may hấp dẫn DN “ngoại”

(ĐTCK-online) Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), ngành dệt may của Việt Nam đã và đang tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng như nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

Một trong những dấu hiệu được KOTRA đưa ra về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của ngành dệt may Việt Nam là, năm qua, một số doanh nghiệp (DN) dệt may Hàn Quốc đầu tư vào Trung Quốc đã thực hiện chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam . Thống kê cho thấy, năm 2006, đầu tư của các DN dệt may Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm 10% so với năm 2005, nhưng đầu tư vào Việt Nam đã tăng tới 53,7%.

Ông Seong Ki Hak, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Youngone cho biết, Youngone đang có nhiều nhà máy ở châu Á như tại Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan..., nhưng trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư các dự án mới tại Việt Nam. Riêng cuối năm 2007, Youngone đã thực hiện giai đoạn II mở rộng Nhà máy Sản xuất đồ thể thao xuất khẩu tại Nam Định (Việt Nam ).

Sở dĩ các DN Hàn Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam là do sức hấp dẫn từ nhân công rẻ và có tay nghề, chính sách khuyến khích đầu tư đa dạng của Chính phủ Việt Nam .

Ông Andrew LK. Kay, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Exhibition Hongkong cho rằng, DN dệt may thế giới ngày càng quan tâm và mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam . Cụ thể, trong năm qua, nhiều đoàn DN từ nhiều quốc gia đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Giữa năm 2007, ông Andrew LK. Kay đã dẫn đầu đoàn các tập đoàn dệt may nước ngoài gồm 21 thành viên đến tham dự Triển lãm quốc tế ngành dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2007 tại Hà Nội và có những buổi làm việc, tiếp xúc cụ thể nhằm tìm hướng hợp tác hiệu quả nhất liên quan đến các lĩnh vực như trồng bông, sản xuất máy móc thiết bị ngành may, đào tạo nhân lực, thiết kế thời trang...

Một sự kiện cũng hứa hẹn sẽ mang lại kết quả đầu tư khả quan là việc Tập đoàn WL Ross & Co., ITG (Mỹ) đã đạt được thỏa thuận với một doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam là Tổng công ty Phong Phú, nhằm khai thác triệt để hơn những cơ hội đầu tư tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy và mở rộng hơn các hoạt động đầu tư chiến lược tại đây. Ông Wilbur L. Ross, Chủ tịch Tập đoàn WL Ross and Co. nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những đất nước phát triển nhanh nhất trên thế giới. Chúng tôi rất mừng khi có cơ hội góp thêm một phần vốn đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình phát triển của ngành dệt may và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đã có với Phong Phú”.

Có thể nói, một trong những điểm yếu nhất hiện nay của ngành dệt may Việt Nam là công nghiệp phụ trợ kém phát triển, nguyên phụ liệu phải nhập khẩu quá nhiều từ nước ngoài, DN phải làm gia công nên không thu về lợi nhuận cao. Để tiến tới khắc phục tình trạng này, ngành dệt may cũng đã có định hướng cụ thể trong chiến lược thu hút các dự án ĐTNN.

Hiện tại, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu. Bà Đặng Phương Dung, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may cho biết, làn sóng đầu tư vào nguyên liệu như các nhà máy sản xuất vải, bông, xơ, sợi sẽ ngày càng nhiều và những dấu hiệu tại thời điểm này được xem là bước khởi động quan trọng. “Tôi tin rằng, trong vòng 4 năm tới, dòng thác đầu tư này sẽ rất mạnh mẽ”, bà Dung nhấn mạnh.

Vấn đề đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận đều được các nhà ĐTNN quan tâm khi tìm hiểu về các dự án lớn trong ngành dệt may. Về điều này, đại diện Vitas cho rằng, tỷ suất lợi nhuận trong ngành dệt nhuộm trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể. Nhiều công ty cổ phần đã chia cổ tức từ 12% đến 18%, thậm chí còn cao hơn thế. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà ĐTNN, các khu công nghiệp đã bắt đầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu xử lý nước thải..., để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Thế Hải
Thế Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ