Đến thời đầu tư trạm sạc xe điện

Sự gia tăng của các phương tiện giao thông chạy điện - một trong những giải pháp giảm phát thải để đạt trung hoà carbon vào năm 2050 đang tạo ra làn sóng đầu tư làm trạm sạc xe điện trên toàn quốc.

Nở rộ trạm sạc điện

"Em muốn đăng ký lắp trạm sạc 12 kW tại nhà, vừa là phục vụ sạc xe của mình và kiếm thêm thu nhập. Đăng ký tại đâu ạ? Các bác đi trước chỉ giáo ạ. Em cám ơn".

"Mình đang muốn lắp đặt trạm sạc, nhờ anh em tư vấn cho".

"Mình có mặt bằng đỗ 1 lần chắc tầm 3 ô tô chưa san lắp thi công không biết có đơn vị nào tư vấn không?".

"Nhà có điện 3 pha lắp 1 trụ DC 30 kW hoặc 2 trụ DC 20 kW - Như trồng cây ATM trước cửa, rút tiền đều đặn hàng tháng, mà không cần vất vả trông coi, vận hành...".

Những tút như thế này đang diễn ra với mật độ ngày càng nhiều hơn trên các hội nhóm có liên quan đến trạm sạc xe điện cho thấy nhu cầu tìm hiểu và đầu tư trạm sạc điện đang gia tăng mạnh, nhất là tại một số địa phương lớn và năng động.

Trạm sạc xe điện VinFast tại Trần Vỹ, Hà Nội. (Ảnh: St).

Tại Hà Nội, với 35 trụ sạc siêu nhanh công suất lên tới 120 kW/trụ, trạm sạc tại Trung tâm đăng kiểm 2925D Trần Vỹ - Cầu Giấy vừa đóng điện đã trở thành một trong những trạm sạc tư nhân có quy mô lớn nhất trong nội đô hiện nay. Mỗi trụ có hai súng sạc, cho phép phục vụ đồng thời tới 70 xe ô tô điện.

Cùng thời điểm, trạm sạc tại Trung tâm đăng kiểm 2910 Đền Lừ - Hoàng Mai, Hà Nội cũng chính thức vận hành với 22 trụ sạc công suất 120 kW, tương ứng khả năng phục vụ 44 xe điện cùng lúc.

Tuy nhiên, đây chỉ là 2 trong số nhiều trạm sạc mới được đưa vào hoạt động thời gian gần đây trên địa bàn Thủ đô. Theo thống kê, trong hơn một tháng qua, Hà Nội đã ghi nhận thêm 8 trạm sạc lớn trang bị từ 15 trụ sạc đến 35 trụ sạc tương đương 30 súng đến 70 súng sạc cùng 5 trạm quy mô bé hơn từ 10 đến dưới 30 súng sạc.

Tức là có thêm tổng cộng 450 súng sạc mới đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu sạc đồng thời cho khoảng 450 xe điện.

Đáng chú ý, tất cả các trạm sạc trên đều do V-Green phát triển hoặc thuộc hệ thống nhượng quyền của V-Green.

Trạm sạc xe điện mọc lên ở nhiều nơi (Ảnh: St)

Tại Hội thảo trực tuyến về mô hình trạm sạc thế hệ mới, ông Bùi Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp Sạc DIMEC cho biết, cả nước hiện có khoảng 17.000 trạm xăng với 500.000 súng bơm xăng, cho phép mỗi xe nạp nhiên liệu chỉ trong 5-10 phút. Trong khi đó, trạm sạc điện mới là khoản 5.000 trạm với 55.000 súng sạc và cần tối thiểu 20-30 phút để nạp điện cho một xe.

Theo công bố mới đây của VinFast, đến nay, đã có khoảng 230.000 ô tô điện VinFast lăn bánh trên thị trường, trong đó 70.000 xe taxi Xanh SM và 160.000 xe thuộc sở hữu cá nhân.

Cụ thể, từ khoảng 40.000 xe điện VinFast năm 2023, trong năm 2024 đã có thêm khoảng 87.000 xe VinFast gia nhập thị trường và dự kiến cuối năm 2025, tổng số xe ô tô điện VinFast có thể vượt mốc 300.000 xe vào cuối năm 2025.

Tính khả thi của kế hoạch này được minh chứng bằng việc chỉ trong 3 ngày mở bán đầu tiên hồi tháng 3/2025, mẫu xe Limo Green đã ghi nhận tới 45.813 đơn đặt cọc với dự kiến giao hàng từ tháng 8/2025.

Quan sát thực tế cũng cho thấy, hiện VinFast phải chiếm tới 95% lượng ô tô điện đang lưu hành trên thị trường.

Với số lượng lớn xe điện lưu hành này, việc phát triển hạ tầng sạc điện cũng được xem là yếu tố cốt tử để VinFast đứng được trên thị trường. Bởi vậy, việc phát triển nhanh mạng lưới trạm sạc, đặc biệt do V-Green, vốn cùng hệ sinh thái với VinFast triển khai đang diễn ra rất mạnh mẽ. Điều này cũng là để giảm tải tình trạng phải xếp hàng, lấy số thứ tự để sạc vào giờ cao điểm đang diễn ra thời gian qua tại nhiều trạm sạc, nhất là khi VinFast đang có chính sách sạc miễn phí 2 năm.

Tuy nhiên, ông Nam cũng nhận định, tổng số súng sạc điện cả nước hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu thực tế, nghĩa là cơ hội đầu tư vào hạ tầng sạc vẫn còn rất lớn.

Trạm sạc - Sổ hưu thế hệ mới

Trước băn khoăn của nhà đầu tư về quy mô đầu tư phù hợp, ông Nam cho rằng, đây là giai đoạn đầu của chu kỳ đầu tư vào trạm sạc. Hiệu suất hiện tại có thể chưa cao, nhưng với tốc độ bán xe điện của VinFast (trung bình 10.000-12.000 xe/tháng) và xu hướng hạn chế xe máy chạy xăng trong nội đô (như đề xuất cấm xe máy nhiên liệu hoá thạch lưu thông trong vành đai 1 Hà Nội từ ngày 1/7/2026), thì tiềm năng phát huy là rất lớn.

Tuy nhiên, ông Nam cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên “phân kỳ đầu tư”. Cụ thể, ban đầu nên lắp vài trụ công suất nhỏ. Sau khi thấy hiệu quả, có thể mở rộng dần, tùy theo lưu lượng xe và công suất điện được cấp.

Trạm sạc được một số nhà đầu tư coi là sổ lương hưu thế hệ mới. (Ảnh: St).

Theo hướng này nếu đầu tư một cặp trụ 20 kW thì giá vào khoảng 200 triệu đồng, nhưng hiện có các chương trình khuyến mãi hỗ trợ, nên chi phí đầu tư chỉ còn hơn 100 triệu đồng cho một trạm sạc hai súng.

Đây cũng là con số không lớn, nhiều người có thể làm được. Tuy vậy, ông Nam cũng khuyến nghị “nên dùng vốn nhàn rỗi để tạo dòng tiền đều đặn hàng tháng và biến trạm sạc trở thành sổ lương hưu thế hệ mới”.

Ở quy mô lớn, trạm sạc tại 464 Âu Cơ, Hà Nội là một ví dụ cụ thể. Tại trạm sạc này, DIMEC đầu tư 10 trụ 120 kW và 5 trụ 60 kW với tổng số 30 súng sạc. Kể từ khi đóng điện, lượng điện tiêu thụ trung bình khoảng 15.000 kWh/ngày.

Với chính sách đang được V-Green áp dụng là trả 750 đồng/kWh cho nhà đầu tư trạm sạc nhượng quyền như DIMEC, doanh thu hàng ngày của trạm vào khoảng 11 triệu đồng.

Trạm sạc tại 464 Âu Cơ, Hà Nội.

Do đặt tại Hà Nội là nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đầu tư đường dây và trạm biến áp phải có đoạn hạ ngầm hay các trụ sạc tại đây có công suất lớn nên chi phí đầu tư cũng cao hơn, khoảng hơn 10 tỷ đồng, chưa tính đất. Theo tính toán của DIMEC, thời gian thu hồi vốn sẽ khoảng 3,5 năm, sau khi trừ chi phí thuê mặt bằng và vận hành.

Ông Nam cũng lưu ý, với trạm sạc ngoài trời thì không cần phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC), mà chỉ cần trang bị các thiết bị PCCC đạt chuẩn. Còn nếu lắp trạm sạc trong nhà xưởng có mái thì cần xem công trình đó đã có phê duyệt phương án PCCC hay chưa. Trường hợp đã có thì không cần xin lại, còn chưa có thì phải xin phê duyệt theo quy định hiện hành.

Một lưu ý khác là cần có điện 3 pha và phụ thuộc vào khả năng cấp điện của trạm biến áp khu vực. Nếu trạm biến áp không còn công suất dự phòng sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành trạm.

Sau 18h cũng là cao điểm sạc xe điện. (Ảnh: St).

Cuối cùng, các chuyên gia của DIMEC cũng nhấn mạnh rằng, hiệu suất khai thác trụ sạc phụ thuộc rất lớn vào loại xe vào sạc. Xe có công suất sạc cao sẽ tiêu thụ nhiều điện hơn, giúp tối ưu doanh thu. Ngược lại, các dòng xe công suất nhỏ như VF3 tiêu thụ điện ít, khiến hiệu suất trụ không cao dù số lượt sạc nhiều.

Hiện các điểm nóng về nhu cầu sạc điện với hiệu suất sạc (tỷ lệ % có xe sạc trên 24 giờ) được liệt kê có Hà Nội (khoảng 28%), Bắc Ninh (29%), Quảng Ninh (44%), Đà Nẵng (36%), Đồng Nai (50%) và TP.HCM (24-26%, tuỳ khu vực).

Các chuyên gia cũng cho hay, trong kinh doanh sạc điện, mức 28% là khá ổn rồi. Tuy nhiên, các thống kê trên cũng cho thấy, tiềm năng cải thiện hiệu suất còn rất lớn, đặc biệt ở những khu vực có mật độ xe điện cao và ít trạm sạc.

Ngoài ra, cũng có lo ngại nhất định khi thực tế đã có các trạm sạc nhượng quyền bị chậm thanh toán cỡ đôi tháng, khiến có những nhà đầu tư thận trọng vẫn còn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục