Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 xác định mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu cho xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện.
Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023, hạ tầng viễn thông và hạ tầng số đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Mặc dù là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nhưng theo Cục Viễn thông, Việt Nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Cụ thể, độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin truyền thông trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông, đặc biệt là chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến.
Cũng theo Cục Viễn thông, tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone/tổng số người dùng điện thoại di động trong năm qua tiếp tục tăng lên tới 84,4% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 63%). Đây là nỗ lực của ngành thông tin truyền thông hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024.
Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhắm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.
Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy, mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng internet, tiếp cận không gian số.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới Ipv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại ASEAN và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.
Nguồn: Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) |
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, cơ hội và sứ mệnh của lĩnh vực viễn thông trong giai đoạn mới là chuyển dịch thành hạ tầng số, hạ tầng của chuyển đổi số quốc gia, của kinh tế số, tiền đề để xây dựng xã hội số. Muốn vậy, đòi hỏi phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.
Cục Viễn thông đã phối hợp với các đơn vị (Viện Chiến lược, Vụ Pháp chế...) nghiên cứu, báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội sửa Luật Viễn thông, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch hạ tầng ngành thông tin và truyền thông nhằm đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp trong quản lý chính sách, thực thi pháp luật và thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bám sát định hướng của Bộ về hạ tầng Việt Nam, bao gồm: Hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập; Hạ tầng IoT; Hạ tầng dữ liệu; Hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ; Các nền tảng số có tính hạ tầng.
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu theo bộ chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (IDI) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Thương mại hóa 5G (đã triển khai thí điểm thương mại trên toàn quốc từ năm 2021). 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh. 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu, trong đó 90% người dân có thể truy cập Internet tốc độ trung bình 200 Mbit/s. Tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mbit/s cho mạng 4G và 100 Mbit/s cho mạng 5G.
Ngoài ra, đầu tư thêm 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế, trong đó chuẩn bị đầu tư 1 - 2 tuyến do doanh nghiệp Việt Nam sáng lập. Triển khai 1 - 2 DC quốc gia (Uptime TIER 3 hoặc ANSI/TIA 942-B rated 3 trở lên), các DC đa mục tiêu cấp vùng (6 vùng kinh tế trọng điểm); chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE) DC mới =<1,4.
Bên cạnh đó, phát triển 3 - 5 nền tảng số quốc gia có tính chất hạ tầng, hạ tầng công nghệ cung cấp như dịch vụ.