Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông đến năm 2021, định hướng đến 2030.
Quy hoạch nhằm xây dựng mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực thông tin truyền thông tinh gọn, cơ cấu hợp lý, tự chủ, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lắp; đồng thời đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của cơ quan nhà nước có chất lượng, tập trung vào miền núi, biên giới, hải đảo.
Theo quy hoạch, đến năm 2021, cả nước giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực thông tin truyền thông; giảm 10% biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Các đơn vị được yêu cầu tăng tự chủ tài chính. Năm 2021 có tối thiểu 10% đơn vị tự chủ; giảm 10% chi trực tiếp ngân sách cho các đơn vị.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến 2021 hoàn thành cơ bản chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần.
Các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực báo chí thực hiện sắp xếp theo lộ trình Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị thông qua, phấn đấu đến 2021 có tối thiểu 10%; năm 2025 có 20% đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nhà nước chỉ đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; hỗ trợ ngân sách theo hình thức đặt hàng với những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể.
Theo quy hoạch, Ban Chấp hành Trung ương có báo Nhân dân, tạp chí Cộng sản; mỗi ban Đảng có một tạp chí in. Văn phòng Quốc hội có một báo in, một tạp chí in và cơ quan Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, mỗi đơn vị có một báo in và một tạp chí in.
Bộ Quốc phòng có thêm Trung tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội; Bộ Công an có thêm Trung tâm Phát thanh, truyền hình, điện ảnh Công an nhân dân.
Ngoài Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thì mỗi cơ quan thuộc Chính phủ có một tạp chí in.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, báo điện tử Chính phủ, báo Quân đội Nhân dân và báo Công an Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.