Đến lượt Facebook… “phá giá” bảo hiểm xe máy

(ĐTCK) Không chỉ được rao bán trực tiếp (qua website), bán dạo (ở dọc đường), bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe máy còn đang được bán tràn lan trên Facebook với giá siêu rẻ, chỉ 28.000 đồng/xe/năm.
Rất nhiều các trang rao bán bảo hiểm bắt buộc trên Facebook Rất nhiều các trang rao bán bảo hiểm bắt buộc trên Facebook

Rẻ chưa từng thấy!

“Chỉ 40.000 đồng/1 năm khi mua bảo hiểm xe máy, tặng bảo hiểm 2 người ngồi trên xe”, đây là thông tin rao bán được đưa ra từ Facebook “Bshc Hungmcp”, trong khi giá niêm yết theo đúng quy định phải là 66.000 đồng/xe/1 năm và không khuyến mại dưới mọi hình thức. Thậm chí, trang cá nhân bán bảo hiểm của BSH này còn rao bán sản phẩm với thời hạn 2 năm, trái với quy định là chỉ được bán bảo hiểm xe máy bắt buộc từng năm một. Theo khẳng định của người bán, đây là mức giá rẻ nhất và tốt nhất Sài Gòn - Biên Hòa - Mỹ Tho.

Gây sốc nhất là Facebook “Bán bảo hiểm TNDS ô tô PVI” khi bán bảo hiểm xe máy bắt buộc của BIC với giá 35.000 đồng/1 giấy chứng nhận/1 năm trong chương trình khuyến mại đặc biệt từ ngày 21/8/2015 – 28/8/2015. Thậm chí, nếu mua sỉ đều đặn cho ít nhất 50 xe/tháng sẽ được hưởng cơ chế giá chỉ còn 28.000 đồng/xe. Mức giá này đang được cho là rẻ chưa từng thấy.

Không giảm quá sâu, Facebook “Bảo hiểm xe máy Lan Anh 44k/năm” rao bán bảo hiểm xe máy bắt buộc BIC và PJICO với giá là 44.000 đồng. Khi được hỏi có bán bảo hiểm 2 năm không, người bán trả lời có nhưng không chắc chắn, vì còn phải hỏi lại hãng bảo hiểm (trước năm 2013, các hãng bảo hiểm từng bán bảo hiểm 2 năm nhưng đến nay không còn nữa).

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều trang cá nhân trên Facebook rao bán bảo hiểm bắt buộc xe máy, với mức giá phổ biến từ 40.000 – 45.000 đồng/xe/năm. 

Giật khách trắng trợn!

Mặc dù bán với giá rẻ, với những cái cụm từ đầy hấp dẫn như “rẻ nhất Sài Gòn - Biên Hòa - Mỹ Tho”, “rẻ nhất Hà Nội”, “không thể thấp hơn được nữa”…, thế nhưng, việc bán bảo hiểm không vì thế mà dễ dàng. Hiện tượng tranh giành khách, theo những người bán, diễn ra khá quyết liệt.

Chủ trang Facebook “Bảo hiểm xe máy Lan Anh 44k/năm” (đã hoạt động được hơn 4 năm, số lượng bán lẻ hàng tháng khá lớn tại Hà Nội, chưa kể bán sỉ) cho biết, trong vòng 24 giờ qua, đã có tới 2 trang bán hàng được lập tên y hệt nhằm gây nhầm lẫn cho khách hàng. Hay có trường hợp, chủ nhân của Facebook A sau khi thấy khách hàng B đặt mua bảo hiểm thì đã âm thầm nhắn tin cho khách B để chào giá tốt hơn.

Chính vì vậy, không ít người bán phải dùng biện pháp an toàn là yêu cầu khách hàng gửi các thông tin cần mua bảo hiểm bằng tin nhắn riêng (inbox) trên Facebook, tránh trường hợp bị người khác “hớt tay trên”. 

Chi hoa hồng cộng tác viên tới 70%

Facebook “Bảo hiểm xe máy 247” vừa kết thúc chương trình bán bảo hiểm xe máy bắt buộc của Bảo hiểm PVI, với mức chi hoa hồng cộng tác viên lên tới 70% giá trị trước thuế (nếu bán với giá 60.000 đồng/1 xe, cộng tác viên chỉ phải nộp về cho người bán 24.000 đồng/xe, bao gồm 18.000 đồng giá trị bảo hiểm và 6.000 đồng tiền thuế). Ngoài việc đang thực hiện dự án bán bảo hiểm cho Bảo Long, trang Facebook này còn là kênh trung gian bán hàng cho nhiều hãng khác như BIC, MIC, PJICO, Bảo Việt…

Chia sẻ với ĐTCK, chủ nhân trang “Bảo hiểm xe máy Lan Anh 44k/năm" cho biết, không thể mãi chạy theo chiêu trò phá giá, bởi dẫu có được một lượng khách lớn, nhưng với giá bán sát gốc, dẫn đến lãi quá ít, người bán sẽ không đủ sức để phục vụ.

Cần nhắc lại, mức giá bán bảo hiểm xe máy bắt buộc (66.000 đồng/xe) không được khuyến mại dưới mọi hình thức. Thế nhưng, những người bán trên Facebook, trong vai trò là đại lý, đã tự ý lấy hoa hồng mà mình được hưởng từ DNBH (bị Bộ Tài chính khống chế tối đa 20%) cộng với số tiền được gọi là chi phí kinh doanh (không bị khống chế theo luật định) để giảm cho khách hàng, nên mới có chuyện “phá giá” như trên.

Không thể phủ nhận, với việc cung cấp thông tin và sản phẩm mọi lúc mọi nơi, phục vụ tận nơi đối với từng khách hàng, các trang Facebook bán bảo hiểm đã đưa sản phẩm mang tính bắt buộc này đến gần hơn với người dân một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, nếu tình trạng ngang nhiên bán phá giá, chi hoa hồng lớn cho cộng tác viên... tiếp tục diễn ra, trong khi, kinh doanh không chịu sự khống chế chi phí, thì mong muốn thị trường bảo hiểm xe máy phát triển lành mạnh không thể thành sự thực.

Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo một DNBH thừa nhận, trên giấy chứng nhận bảo hiểm vẫn ghi đúng, ghi đủ theo nguyên giá là 66.000 đồng/năm; thời hạn 1 năm nên Bộ Tài chính, cụ thể là Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm khó có cơ sở chứng minh DN đang vi phạm để xử phạt, chỉ dừng lại ở mức gọi DN lên  nhắc nhở.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục