Đến cuối tháng 6/2023, đã có 43 tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 527.947 tỷ đồng

(ĐTCK) Sáng nay (4/10) đã diễn ra Tọa đàm “Ngân hàng xanh - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các TCTD Việt Nam” do Ủy ban Chính sách thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu

Xanh hoá nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.

Trong đó, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ngân hàng Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các bon, hướng tới tăng trưởng xanh. Về phía các TCTD cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tính đến 30/6/2023, đã có 43 TCTD cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 527.947 tỷ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 5,48% so với cuối năm 2022, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 45% tổng dư nợ tín dụng xanh), nông nghiệp xanh (chiếm hơn 31% tổng dư nợ tín dụng xanh).

“Giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 22,98%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế”, ông Hùng chia sẻ.

Là một trong những TCTD đi đầu trong việc cung cấp tài chính bền vững, phát biểu tại sự kiện, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam cho biết: “Tính bền vững là một trong những ưu tiên chính của Standard Chartered. Cam kết của chúng tôi với thị trường Việt Nam là hỗ trợ và thúc đẩy chương trình nghị sự bền vững cũng như giúp các đối tác và liên minh của chúng tôi đạt được chương trình nghị sự bền vững của riêng họ. Cam kết của chúng tôi về Tính bền vững cũng phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Việt Nam”.

Cũng theo bà Michele Wee, Ngân hàng Standard Chartered đặt mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu ngành về phát triển bền vững và đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để đạt được lượng khí thải carbon ròng từ hoạt động được tài trợ bằng không vào năm 2050, bao gồm các mục tiêu tạm thời vào năm 2030 cho các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon nhất. Ngân hàng đã cam kết huy động 300 tỷ USD trên toàn cầu cho tài chính xanh và chuyển đổi vào năm 2030.

Cùng với cam kết về tiền tệ những mục tiêu cụ thể mà Ngân hàng đưa ra là: Dừng tài trợ cho các công ty đang mở rộng hoạt động kinh doanh than nhiệt ở cấp độ khách hàng cá nhân; Giảm 85% lượng phát thải từ khai thác than nhiệt được tài trợ tuyệt đối vào năm 2030; Cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng phụ thuộc <5% vào doanh thu từ than nhiệt vào năm 2030; và Giảm cường độ carbon dựa trên doanh thu lần lượt là 63% đối với điện, 33% đối với thép và khai thác mỏ, 30% đối với dầu khí vào năm 2030

“Tất cả mục tiêu của chúng tôi là trước năm 2030, nhưng mọi chuyện sẽ không dừng lại ở đó khi ngân hàng đang dần công bố mục tiêu ngắn hạn trên các lĩnh vực khác nhau”, bà Michele Wee tiết lộ.

Tại Toạ đàm, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, với vai trò nhiệm vụ, chức năng của ngành Ngân hàng. NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đồng thời, ông Quý đưa ra một số trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường).

Thứ hai, theo dõi, hướng dẫn các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình TCTD xây dựng quy định nội bộ.

Thứ ba, tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các TCTD trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả.

Thứ tư, đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục