Các ngân hàng tìm lời giải để thúc đẩy tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đến cuối năm 2022 chỉ ở mức 4,2% tổng dư nợ kinh tế, nhưng nhiều ngân hàng đang có xu hướng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh để hướng tới thị trường tài chính xanh phát triển mạnh thời gian tới.
Các ngân hàng tìm lời giải để thúc đẩy tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh Việt Nam còn thấp

Theo định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững.

Tại Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon” do báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 06/09, TS. Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách Quốc hội khoá XIII nhìn nhận, bước vào thế kỷ 21, trước những diễn biến cực đoan của khí hậu, thế giới ngày càng quan tâm hơn tới môi trường, khí thải nhà kính, mực nước biển dâng. Các thị trường tài chính đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch này và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng.

Vào năm 2007, Ngân hàng Đầu tư châu Âu phát hành 600 triệu Euro trái phiếu xanh đầu tiên đầu tư cho năng lượng tái tạo, tiếp đó là Ngân hàng thế giới năm 2008, Công ty Tài chính Quốc tế IFC năm 2010 bắt đầu phát hành trái phiếu xanh cố định lãi suất cho các nhà đầu tư.

TS. Trần Văn đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đối khí hậu với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế “zero” khí thải nhà kính vào năm 2050 tại COP26, cho nên Nhà nước đã xác định phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn để huy động vốn cho nền kinh tế xanh. Hệ thống pháp luật về tài chính xanh tại Việt Nam đã được quan tâm và xây dựng sau khi Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành năm 2014.

Trong giai đoạn 2015 – 2022, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung của nền kinh tế.

Dù vậy, đến cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng cho vay dự án xanh trong các ngành dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và vệ sinh môi trường mới chỉ đạt gần 500.000 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ kinh tế, một con số rất khiêm tốn.

Nguyên nhân do phát triển tín dụng xanh gặp khó khăn trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường; thiếu kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh theo thông lệ quốc tế; thiếu thống nhất về danh mục và ngành xanh, từ đó thiếu cơ sở, căn cứ để các ngân hàng thương mại lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giảm sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh, đặc biệt là thiếu khung khổ pháp lý…

Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon”.

Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon”.

Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh

Tài chính xanh đang là xu hướng lớn trên thế giới khi ngày càng nhiều nhiều tổ chức tài chính quốc tham gia, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Dù dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh vẫn còn thấp (4,2%), nhưng nhiều ngân hàng đang có xu hướng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh để hướng tới thị trường tài chính xanh phát triển mạnh thời gian tới.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam chia sẻ, Agribank luôn tích cực tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ. Đồng thời triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khoẻ cộng động từ năm 2016.

Do đó, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Trong giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh của Ngân hàng tăng trưởng nhanh chóng từ 100 - 350%/năm. Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch Covid-19, căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraine và các nước phương Tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam... tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.

Đến ngày 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), với hơn 41.000 khách hàng vay vốn.

Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục triển khai 6 giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững.

Thứ nhất là triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank.

Thứ hai là ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65 - 70% tổng dư nợ.

Thứ ba là nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường... phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank.

Thứ tư là chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các Bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh. Chuẩn bị để phát hành trái phiếu xanh tăng vốn.

Thứ năm là đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại,

Thứ sáu là xây dựng và triển khai các biện pháp tổng thể để tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện tín dụng xanh; tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động ngân hàng xanh - tín dụng xanh…

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, từ những năm 2018, HDBank đã có chương trình cụ thể gia tăng nguồn lực cho chuyển đổi xanh bằng việc thúc đẩy các chương trình nâng cao nhận thức phát thải khí nhà kính với nhân viên. HDBank cũng là ngân hàng tiên phong ban hành chính sách cấp tín dụng xanh với 11.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Cũng trong năm 2022, HD SAISON - công ty của HDBank đã phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay người lao động với lãi suất thấp hơn thị trường, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, cùng chăm lo đời sống cho người yếu thế.

Thời gian tới, HDBank sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thực thi chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; cũng như đồng hành chặt chẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp trong tập trung kết hợp các mục tiêu phát triển bền vững ESG (môi trường - xã hội - quản trị); gắn mục tiêu phát triển kinh doanh chung cùng trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục