Trước vấn đề được nhiều người quan tâm tại buổi họp báo đó là tính hiệu quả, khả thi của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khi đi vào hoạt động, ông Lê Sinh Tiến, Phó Phòng ODA Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nộ cho biết: "Nếu chỉ đơn thuần một tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hoạt động thì sẽ rất khó có hiệu quả bởi vốn thì rất lớn trong khi quãng đường thì ngắn, tuy nhiên, sắp tới khi các tuyến đường sắt trên cao cùng đi vào hoạt động thì sẽ thấy hiệu quả kinh tế cao".
Tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư còn Hà Nội sẽ tiếp nhận và vận hành bắt đầu từ 2016. Về tính hiệu quả, theo quyết định của Chính phủ thì Hà Nội có tất cả 8 tuyến đường sắt trong đó có 2 tuyến Hà Đông - Cát Linh và Nhổn - Ga Hà Nội đang thi công và sắp đưa vào khai thác. Tiếp đó là tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang chuẩn bị triển khai.
Ông Tiến cho biết thêm: "Khi muốn hệ thống đường sắt hoạt động hiệu quả thì chúng ta phải đồng bộ đầy đủ hạ tầng, hệ thống. Đúng là nếu chỉ một tuyến Cát Linh - Hà Đông thì sẽ cảm thấy không hiểu quả. Nhưng nếu kết hợp 3-4 tuyến và tương lai sẽ là tuyến số 5, các tuyến này sẽ kết nối với nhau thì sẽ thấy được hiệu quả của đường sắt. “Khi nào các tuyến đường sắt trên cùng đi vào hoạt động thì việc đi lại của người dân sẽ rất thuận tiện".
Sau 3 tuyến đường trên, tiếp đến Hà Nội cũng đang chuẩn bị một tuyến từ Trần Hưng Đạo đến vành đai 3 (Thanh Trì), và rồi một tuyến tiếp theo có thể từ Thanh Trì lên Hồ Gươm. Như vậy chúng ta phải có một cái nhìn tổng thể trên các tuyến. “Hiện nay có 3 dự án đang triển khai. Với tốc độ này, trong vòng 10 năm tới, Hà Nội sẽ có 5 tuyến hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Khi đó chúng ta mới thấy được hết hiệu quả của nó”, ông Sinh Tiến cho hay.