Việt Nam sẽ dành 20 tỷ USD hiện đại hóa giao thông công cộng từ nay đến 2020 qua đó giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Giao thông đô thị bền vững - Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức chiều ngày 25/11, tại Hà Nội.
“Bay hơi” 50.000 tỷ đồng mỗi năm vì tai nạn giao thông
Chỉ ra những bất cập của hệ thống giao thông đô thị, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay, các phương tiện giao thông gia tăng khá nhanh (12-15%), tập trung chủ yếu tại các đô thị, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến ùn tắc giao thông có diễn biễn phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, tại Việt Nam mỗi ngày trung bình có khoảng 24 người chết vì tai nạn giao thông, chủ yếu là tai nạn giao thông đường bộ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng do tai nạn giao thông đường bộ.
“Về vận tải hành khách công cộng, cả nước hiện có khoảng 10.000 phương tiện xe buýt, gần 500 tuyến xe buýt với lượng vận hành là 31.000 lượt/ngày. Điều này góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông và tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông,” ông Ngọc đánh giá.
Bổ sung thêm về nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận, tỷ lệ di dân ngoại thành vào đô thị cũng khá lớn. Việt Nam hiện có xấp xỉ 2,5 triệu ôtô và 43 triệu xe máy. Bình quân 507 người sở hữu một phương tiện trong khi đó năng lực kết cấu hạ tầng thấp.
“Thách thức về an toàn giao thông đối với Việt Nam chính là ý thức lái xe, thói quen, hành vi của người tham gia giao thông. Nếu ai đến Việt Nam khoảng 2 tiếng đồng hồ thì nhận biết được sơ qua về giao thông. Thậm chí, nếu ở sau một ngày thì có thể nhận thức được nhiều vấn đề thực tế khác như ùn tắc giao thông,” ông Hùng thành thật.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, tại Việt Nam mỗi ngày trung bình có khoảng 24 người chết vì tai nạn giao thông, chủ yếu là tai nạn giao thông đường bộ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng do tai nạn giao thông đường bộ.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều biến chuyển như số người chết do tai nạn giao thông đã giảm mạnh, tuy nhiên tình trạng tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
20 tỷ USD hiện đại hóa giao thông công cộng
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, phát triển giao thông công cộng là một giải pháp quan trọng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội cho phép người dân có thể di chuyển dễ dàng hơn, giảm ùn tắc giao thông, tăng cường mức độ an toàn giao thông.
Đồng tình quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho rằng, để có thể phát triển giao thông công cộng bền vững, điều quan trọng là cần đầu tưnâng cấp các trạm trung chuyển vận tải hành khách công cộng bảo đảm sự kết nối giữa vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị, taxi, trước mắt tập trung tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo định hướng phát triển giao thông công cộng, đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 2-3%; Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại, đường sắt đô thị chiếm 4-5%.
Liên quan tới vấn đề xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động vận tải hành khác công cộng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tham mưu cho Chính phủ nhằm thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài về cả vốn và công nghệ tiên tiến vào hạ tầng giao thông tại Việt Nam, trong đó có giao thông công cộng.
“Bộ Giao thông Vận tải rất hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác đầu tư với Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là các nhà đầu tư Thụy Điển. Bởi, Thụy Điển là quốc gia được thế giới ghi nhận là rất thành công trong việc xây dựng, thực thi chính sách liên quan tới an toàn và kéo giảm tai nạn giao thông, phát triển giao thông công cộng bền vững,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ quan điểm.
Khẳng định những thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông và cơ sở hạ tầng Thụy Điển Erik Bromander đưa ra số liệu, tại Thụy Điển, số lượng tai nạn giao thông đã giảm một nửa từ năm 2000-2013, đạt mức 30 vụ/1 triệu dân một năm, mức thấp nhất thế giới.
Theo Thứ trưởng Erik Bromander, Thụy Điển là nước đi đầu về an toàn giao thông với “Tầm nhìn về Không” đối với các vụ tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Góp phần vào những thành tựu này là một hệ thống tích hợp quy hoạch đô thị trong đó các yếu tố cấu thành có được là nhờ các công ty sáng tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến có thể xử lý được các thách thức trong ngành giao thông.
“Làm thế nào để giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân gồm hệ thống vận tải công cộng chất lượng cao, tạo sự bình đẳng cho người dân. Được biết, Việt Nam dành 20 tỷ USD hiện đại hóa giao thông công cộng từ nay đến 2020 và quá trình phát triển đô thị nhanh chóng của Việt Nam thì Thụy Điển rất quan tâm và sẽ hỗ trợ toàn diện để chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội cho các chuyên gia, doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ và là điểm khởi đầu cho các hoạt động tiếp theo giữa hai ngành và tạo nhiều cơ hội hợp tác với các tiềm năng trong tương lai…,” Thứ trưởng Erik Bromander nhấn mạnh.