"Biến thể delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ có khả năng “gây chết người cao hơn vì nó hiệu quả hơn trong cách lây truyền giữa con người và cuối cùng nó sẽ tìm thấy những người dễ bị tổn thương và sẽ bị bệnh nặng, phải nhập viện và có khả năng tử vong”, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO cho biết trong một cuộc họp báo.
Tiến sĩ Ryan cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới và các quan chức y tế công có thể giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất thông qua việc hiến tặng và phân phối vắc xin Covid-19.
WHO cho biết hôm thứ Sáu (18/6) rằng, biến thể delta hiện đang trở thành biến thể chiếm đa số của các ca nhiễm mới trên toàn thế giới.
WHO đã tuyên bố delta là một "biến thể đáng lo ngại" vào tháng 5. WHO cho biết một biến thể có thể được dán nhãn là "đáng lo ngại" nếu nó được chứng minh là dễ lây lan hơn, gây chết người hơn hoặc kháng nhiều hơn với các loại vắc xin và phương pháp điều trị hiện tại.
Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây, biến thể delta hiện đang thay thế biến thể alpha, một biến thể cũng rất dễ lây lan đã quét qua châu Âu và sau đó là Mỹ vào đầu năm nay.
Các nghiên cứu cho thấy biến thể delta có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 60% so với biến thể alpha.
“Chúng ta cần phải tiêm phòng ngay bây giờ. Hãy đưa mọi người đi tiêm phòng ngay bây giờ”, Tiến sĩ Paul Offit cho biết.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO cho biết, biến thể delta hiện đã lan rộng đến 92 quốc gia. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện biến thể này chiếm ít nhất 10% tổng số ca nhiễm mới ở Mỹ và đang trên đà lây nhiễm trên toàn nước Mỹ. Biến thể delta hiện chiếm hơn 60% các trường hợp mới ở Anh.
Các quan chức của WHO cho biết đã có báo cáo rằng biến thể delta cũng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận những kết luận đó. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy chủng delta có thể gây ra các triệu chứng khác với các biến thể khác.
Không có biến thể nào thực sự tìm thấy sự kết hợp giữa khả năng lây truyền cao và khả năng gây chết người, nhưng delta là “loại virus có khả năng lây truyền cao nhất, nhanh nhất và phù hợp nhất trong số các loại virus đó”, các quan chức của WHO cho biết hôm thứ Hai (21/6).
“Biến thể delta sẽ loại bỏ những người dễ bị tổn thương hơn một cách hiệu quả hơn so với các biến thể trước đó, do đó nếu vẫn còn những người không tiêm phòng, họ vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn”, Tiến sĩ Ryan cho biết.
WHO đã kêu gọi các quốc gia giàu có, bao gồm cả Mỹ để quyên góp vắc xin. Chính quyền Biden trước đó đã nêu chi tiết những khu vực sẽ chuyển 55 triệu liều vắc xin, phần lớn trong số đó sẽ được phân phối thông qua COVAX, chương trình tiêm chủng do WHO hỗ trợ.
“Những loại vắc xin này có hiệu quả cao trong việc chống lại bệnh nặng và tử vong. Đó là những gì vắc xin có thể làm, và đó là những gì chúng cần được sử dụng cho việc đó. Đây là điều mà COVAX, WHO và tất cả các đối tác của chúng tôi đã vận động để những vắc xin này tiếp cận với những người có nguy cơ cao nhất”, bà Maria Van Kerkhove cho biết.