WHO: Biến thể delta đang trở thành biến thể Covid-19 thống trị trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Sáu (18/6), nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến thể Delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ đang trở thành chủng virus gây bệnh thống trị trên toàn thế giới.
WHO: Biến thể delta đang trở thành biến thể Covid-19 thống trị trên toàn cầu

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của WHO cho biết trong một cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva rằng đó là do khả năng lây truyền “tăng lên đáng kể”. Các nghiên cứu cho thấy biến thể delta có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 60% so với biến thể alpha lần đầu tiên được xác định ở Anh dễ lây lan hơn so với chủng ban đầu xuất hiện từ Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Tình hình toàn cầu “rất biến động vì các biến thể đang lưu hành”, bà nói thêm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến thể này đã lan rộng đến hơn 80 quốc gia và tiếp tục đột biến khi biến thể này lan rộng trên toàn cầu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện biến thể này đang chiếm 10% tổng số ca mới ở Mỹ, tăng từ 6% vào tuần trước.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky hôm thứ Sáu (18/6) đã kêu gọi người Mỹ tiêm vắc xin chống lại Covid-19 và vì biến thể delta có khả năng sẽ trở thành biến thể Covid-19 chiếm đa số ở Mỹ.

Anh gần đây đã chứng kiến ​​biến thể delta trở thành dòng biến thể chiếm đa số va vượt qua biến thể alpha. Biến thể delta hiện chiếm hơn 60% các trường hợp mới ở Vương quốc Anh.

WHO đã tuyên bố delta là một "biến thể đáng lo ngại" vào tháng trước. Theo WHO, một biến thể có thể được dán nhãn là “đáng lo ngại” nếu nó được chứng minh là dễ lây lan hơn, gây chết người hơn hoặc kháng nhiều hơn với các loại vắc xin và phương pháp điều trị hiện tại.

Hôm thứ Tư (16/6), các quan chức của WHO cho biết đã có báo cáo rằng biến thể delta cũng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận những kết luận đó. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy chủng delta có thể gây ra các triệu chứng khác với các biến thể khác.

Tiến sĩ Swaminathan cho biết hôm thứ Sáu (18/6) rằng các nhà khoa học vẫn cần thêm dữ liệu về biến thể này, bao gồm cả tác động của nó đối với hiệu quả của vắc xin Covid-19.

Công ty sản xuất vắc xin của Đức CureVac vào đầu tuần này đã trích dẫn các biến thể mới là một trong những lý do khiến vắc xin Covid-19 của họ chỉ có hiệu quả 47% trong một thử nghiệm lâm sàng với 40.000 người.

Một phân tích từ Public Health England công bố hôm thứ Hai (14/6) cho thấy hai liều vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca có hiệu quả cao đối với việc hạn chế nhập viện từ biến thể delta.

"Có bao nhiêu người đang bị nhiễm bệnh và trong số đó có bao nhiêu người phải nhập viện và ốm nặng? Đây là điều mà chúng tôi đang theo dõi rất cẩn thận”, Tiến sĩ Swaminathan cho biết.

Hạc Hiên
Theo CNBC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục