Tác động của GenAI
Theo đó, báo cáo khảo sát 11.900 cá nhân ở châu Á - Thái Bình Dương đã phần nào cho thấy những nhân viên trẻ, am hiểu công nghệ, được gọi là “Thế hệ AI”, đang đi đầu trong việc tiết kiệm thời gian làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng mới, công việc bền vững hơn và tăng năng suất.
Để giải thích rõ hơn về tác động của GenAI đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Deloitte Access Economics đã tiến hành nghiên cứu và phân tích 18 ngành nghề dựa trên mức độ tác động của GenAI và thời gian mà các ngành đó sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó, các chuyên gia của Deloitte đã rút ra 6 nhận định về về ảnh hưởng chuyển đổi của AI thế hệ mới đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Số lượng người dùng GenAI sẽ tăng vọt trong thời gian tới. |
Cụ thể, sinh viên và lực lượng lao động trẻ đang đi tiên phong trong cuộc cách mạng GenAI trên khắp châu Á - Thái Bình Dương nhưng chỉ một nửa trong số này tin người quản lý của họ biết họ đang sử dụng nó.
GenAI có thể tác động đáng kể đến 17% số giờ làm việc - gần 1,1 tỷ giờ làm việc - trên khắp châu Á - Thái Bình Dương mỗi năm.
Các nền kinh tế đang phát triển đang dẫn đầu trong việc áp dụng AI thế hệ mới, với tỷ lệ tiếp nhận cao hơn 30% so với các nền kinh tế phát triển.
Người lao động sử dụng GenAI tiết kiệm được khoảng một ngày/tuần (6,3 giờ), cho phép họ phân bổ thời gian để học các kỹ năng mới.
GenAI có thể hỗ trợ giải quyết khối lượng công việc cùng năng suất bền vững hơn, điều này thể hiện qua 41% người dùng tiết kiệm được thời gian tin rằng điều này cải thiện mức cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
70% doanh nghiệp đang tụt hậu trong việc áp dụng GenAI là ý kiến được đưa ra từ chính người lao động.
Ước tính, 5.000 tỷ USD là con số mà hoạt động kinh tế trong các ngành sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh bùng nổ trong thời gian ngắn sắp tới.
Các ngành bị ảnh hưởng bao gồm dịch vụ tài chính, CNTT, truyền thông, nhóm ngành dịch vụ chuyên nghiệp và giáo dục, trung bình chiếm tới 1/5 nền kinh tế của các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ trọng này dự kiến sẽ tăng đáng kể khi một số thị trường đang ngày càng chuyển dịch sang các ngành dịch vụ như tài chính, CNTT, nhóm ngành dịch vụ chuyên nghiệp, những ngành phải đối mặt với tác động lớn hơn. Có hơn 40% sinh viên các ngành dịch vụ này đang bắt đầu ứng dụng GenAI, góp phần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển đổi.
Các quốc gia đang phát triển bắt nhịp xu hướng GenAI tốt hơn
Bình luận về báo cáo, ông Chris Lewin, Lãnh đạo AI và Năng lực Dữ liệu của Deloitte châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Một trong những khía cạnh thú vị nhất khi làm việc với GenAI là nó đang được ứng dụng trên toàn cầu trên mọi thứ, ở mọi nơi, vào cùng một lúc. Những gì chúng tôi tiếp xúc trong 12 tháng đã qua cho thấy các thách thức mà khách hàng ở Indonesia hay Ấn Độ phải đối mặt cũng gần giống như các dự án tại Ý và Ireland. Một bài học quan trọng là việc ứng dụng AI nhanh chóng không trực tiếp làm giảm số lượng việc làm nhưng sẽ tác động mạnh đến những doanh nghiệp chưa kịp thích ứng. Nguồn nhân lực sẽ thu hút bởi các doanh nghiệp đối thủ cung cấp các ứng dụng AI có khả năng định hình công việc trong tương lai.”
Sự tập trung của "Thế hệ AI" tại các nền kinh tế đang phát triển cho thấy có thể có sự xáo trộn đáng kể trong thứ bậc công nghệ truyền thống khắp châu Á - Thái Bình Dương khi khu vực này đang tích cực đón nhận và nâng cao kỹ năng trong bối cảnh mới.
Các quốc gia đang phát triển tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang thích nghi với GenAI tốt hơn. |
Cùng với đó, các nền kinh tế phát triển cần khẩn trương thích nghi, tìm phương án rút gọn khoảng cách trong việc sử dụng công nghệ GenAI. Nhìn vào lịch sử, trong các cuộc cách mạng mạng công nghệ trước, các nền kinh tế phát triển thường là những người tiên phong. Ví dụ, vào năm 2000, gần một nửa dân số Hàn Quốc, New Zealand và Úc đã có quyền truy cập vào internet so với chưa đầy 2% ở Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines. Hoặc trong việc áp dụng đám mây, bắt đầu thu hút sự chú ý ở các nền kinh tế phát triển vào giữa những năm 2000 và nhiều nền kinh tế đang phát triển bắt kịp một thập kỷ sau.
Sự trỗi dậy của GenAI đồng nghĩa với việc toàn tổ chức cần phải tư duy một cách chiến lược và chủ động hành động để ứng phó với môi trường đang thay đổi nhanh chóng. Dựa trên phân tích của Deloitte, doanh nghiệp được khuyến khích xây dựng và triển khai chiến lược GenAI mà trong đó nguồn nhân lực được coi là một phần của quá trình chuyển đổi. Trao quyền cho nguồn nhân lực làm chủ hành trình AI của họ và không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu để tận dụng ứng dụng công nghệ GenAI.
“Thay vì đơn thuần tập trung nâng cao tính hiệu quả của các công việc hiện tại, ban lãnh đạo các cấp nên ứng dụng công nghệ mới để định hình lại mô hình kinh doanh và quy trình vận hành của công ty. Công tác tái cấu trúc với mục đích ứng dụng GenAI có thể góp phần cải thiện trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm nhân viên, đồng thời cải thiện lợi nhuận”, ông Rob Hillard, Lãnh đạo Tư vấn doanh nghiệp, Deloitte châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.