Đề xuất xóa sổ ga Bình Triệu, chuyển đoạn đường sắt qua TP.HCM thành đường sắt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
Đơn vị tư vấn đề xuất xóa sổ ga Bình Triệu, chuyển ga hành khách Bình Triệu về ga An Bình mới thuộc tỉnh Bình Dương và chuyển đoạn đường sắt qua TP.HCM thành đường sắt đô thị.
Ga Bình Triệu quy hoạch "treo" hơn 20 năm, người dân sống xung quanh khu vực quy hoạch điêu đứng vì không được xây dựng nhà cửa kiên cố - Ảnh: Anh Quân Ga Bình Triệu quy hoạch "treo" hơn 20 năm, người dân sống xung quanh khu vực quy hoạch điêu đứng vì không được xây dựng nhà cửa kiên cố - Ảnh: Anh Quân

Nội dung trên được Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía nam (Tedi South) đưa ra tại cuộc họp mới đây về việc rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, các đầu mối đường sắt quốc gia khu vực TP.HCM.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, ga đầu mối hành khách Bình Triệu có thể chuyển về ga An Bình mới (thuộc tỉnh Bình Dương).

Còn đoạn đường sắt quốc gia đoạn từ ga An Bình đến ga Sài Gòn có thể chuyển thành đường sắt đô thị. Sau đó, giải phóng quỹ đất hiện có tại các ga đầu mối như Bình Triệu, Chí Hòa… để phát triển mô hình đô thị gắn kết với giao thông công cộng có sức chở lớn (TOD).

Liên quan đến quy hoạch “treo” hơn 20 năm của ga Bình Triệu, Sở GTVT TP.HCM cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện bồi thường, tái định cư cho người dân nằm trong phạm vi quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo kế hoạch tháng 11/2023, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ hoàn thành việc lập đồ án quy hoạch để trình phê duyệt. Trong đồ án quy hoạch sẽ đưa ra tiến độ, lộ trình thực hiện cụ thể cho dự án "treo" ga Bình Triệu.

Đối với các tuyến đường sắt đô thị, đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung thêm 3 tuyến mới kết nối đến các đầu mối giao thông quan trọng.

Tuyến thứ nhất, kết nối từ trung tâm TP.HCM và Thủ Thiêm để đến nhà ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành.

Tuyến thứ hai kết nối từ trung tâm TP.HCM vượt sông Soài Rạp sang Cần Giờ, kết nối đến Khu đô thị du lịch 2.870 ha lấn biển Cần Giờ.

Tuyến thứ ba, kết nối giữa 2 ga đầu mối đường sắt quốc gia là ga Thủ Thiêm và ga Tân Kiên có chiều dài khoảng 28 km.

Đối với hệ thống đường bộ trên cao, đơn vị tư vấn cho rằng cần thiết kéo dài các đường trên cao được quy hoạch trước đây để hình thành các trục xuyên tâm kết nối đến các tỉnh lân cận.

Được biết, việc rà soát bổ sung, điều chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia khu vực TP.HCM để xem xét, cập nhật vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

Anh Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục