Đề xuất WB hỗ trợ lập quy hoạch tổng mặt bằng tổ hợp đường sắt Ngọc Hồi

0:00 / 0:00
0:00
Việc nghiên cứu tổng mặt bằng tổ hợp Ngọc Hồi là điểm mấu chốt để thực hiện các quy hoạch ga đường sắt khu đầu mối TP.Hà Nội, đường sắt vành đai phía Đông, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến metro số 1, số 6.
Ảnh minh hoạ. Ảnh minh hoạ.

Sở GTVT Hà Nội vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội về việc lập quy hoạch tổng mặt bằng tổ hợp ga Ngọc Hồi trong mạng lưới đường sắt khu đầu mối TP. Hà Nội.

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đề nghị UBND TP. Hà Nội có văn bản đề nghị Ngân hàng Thế giới – WB hỗ trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật thiết kế tổng mặt bằng tổ hợp Ngọc Hồi.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Vụ Kế hoạch đầu tư - Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam làm việc với Ngân hàng Thế giới đề xuất về dự án hỗ trợ kỹ thuật thiết kế tổng mặt bằng tổ hợp Ngọc Hồi. Theo đó, WB rất quan tâm và ủng hộ đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật nêu trên, đến thời điểm hiện nay cơ bản đề cương nghiên cứu quy hoạch tổng mặt bằng đã được các chuyên gia của WB đã xây dựng xong, để có thể triển khai các bước tiếp theo WB cần nhận được đề nghị chính thức từ phía UBND TP. Hà Nội và Bộ GTVT.

Tổ hợp Ngọc Hồi được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 4841/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 của UBND TP. Hà Nội với diện tích khoảng 171ha với chức năng là khu đầu mối của tuyến đường sắt Bắc Nam và khu đầu mối của tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh Dự án giai đoạn I - Xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi tại quyết định 1198/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2017. Hiện nay, dự án đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đang dừng thực hiện do có sự thay đổi về quy hoạch.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phế duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, đường sắt quốc gia không đi vào trung tâm TP. Hà Nội, các đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và Gia Lâm - Lạc Đạo chuyển thành đường sắt đô thị khi tuyến vành đai phía Đông đưa vào khai thác.

Trong đó, tổ hợp ga Ngọc Hồi là điểm đầu của các tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh có đầy đủ các chức năng hệ thống nhà ga đường sắt, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và khu depot của đường sắt đô thị.

Như vậy, theo Sở GTVT Hà Nội với kịch bản phát triển mới đối với khu vực tổ hợp ga Ngọc Hồi như trình bày ở trên đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, hoạch định lại diện tích, chức năng đối với khu vực tổ hợp Ngọc Hồi.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, các quy hoạch liên quan được duyệt về cơ bản đều định hướng vị trí ga lập tàu phía Nam đường sắt khu đầu mối Hà Nội tại Ngọc Hồi với chức năng, nhiệm vụ tổ chức đón tiễn, gửi hành khách đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị; tổ chức xếp dỡ, giải thể hàng hóa; tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe.

Để đảm bảo tính thuận tiện cho hành khách đi tàu khi chuyển tải giữa tàu đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị cũng như tách biệt các khu liên quan tới hóa vận, chỉnh bị phương tiện đường sắt tốc độ cao… phù hợp với định hướng chuyển vị trí depot đường sắt tốc độ cao từ Thường Tín về Ngọc Hồi.

Do đó, việc nghiên cứu tổng mặt bằng tổ hợp Ngọc Hồi nhằm: xác định các phân khu chức năng cho đường sắt đô thị (tuyến số 1, số 6), đường sắt quốc gia (tuyến đường sắt quốc gia hiện tại, tuyến đường sắt vành đai phía Đông và phía Tây) và đường sắt tốc độ cao; xem xét tính khả thi của việc bố trí khu vực phát triển công nghiệp đường sắt; xác định quy mô, diện tích mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi (so với diện tích đã được phê duyệt) để UBND TP. Hà Nội bổ sung, cập nhật vào các quy hoạch có liên quan.

“Việc nghiên cứu tổng mặt bằng tổ hợp Ngọc Hồi là điểm mấu chốt để thực hiện các dự án có liên quan như quy hoạch tuyến ga đường sắt khu đầu mối TP. Hà Nội, tuyến đường sắt vành đai phía Đông, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt đô thị số 1 và đường sắt đô thị số 6”, ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục