Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa thay mặt Hội đồng thẩm định Nhà nước ký Báo cáo số 6359/BC – HĐTĐNN gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.
Tại Báo cáo số 6359/BC – HĐTĐNN kiến nghị Thủ tướng quyết định đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, chủ đầu tư được xác định theo phương thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần, cụ thể như sau:
Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước liên ngành (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ.
Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BTL hoặc BLT.
Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được kiến nghị là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 – các công trình dịch vụ, trong đó có nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; khu công nghiệp hàng không; khu logistics hàng không… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Mục tiêu Dự án là xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, hướng tới là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Trong giai đoạn I (2020 – 2025), Dự án sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Một trong những điểm nhấn kiến trúc đáng chú ý nhất tại Dự án giai đoạn I là nhà ga hành khách có công suất 25 triệu hành khách/năm; gồm 4 tầng với tổng diện tích sàn 373.000 m3, đáp ứng các yêu cầu khai thác với công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn I, Dự án cũng sẽ xây dựng 2 tuyến đường kết nối gồm tuyến số 1 nối cảng với Quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối cảng với đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây quy mô 4 làn xe.
Diện tích sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 1 là 2.668 ha gồm: 1.810 ha đất để xây dựng giao đoạn I; 136 ha đất cho hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2; 722 ha tập kết đất thừa giai đoạn I để dự trữ cho các giai đoạn tiếp theo (thuộc phạm vi 5.000 ha).
Tổng mức đầu tư Dự án là 109.111,742 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD.
Hội đồng thẩm định Nhà nước kiến nghị Thủ tướng giao các chủ đầu tư các dự án thành phần tiếp thu ý kiến của Hội đồng tại Báo cáo kết quả thẩm định Dự án; quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định và không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo các chủ đầu tư dự án thành phần tổ chức lập thiết kế cơ sở các hạng mục chưa có thiết kế cơ sở, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt các dự án thành phần và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp việc đề xuất với Hội đồng thẩm định Nhà nước về nội dung giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư thực hiện Dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp; chịu trách nhiệm việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các hạng mục khá, bảo đảm đầu tư Dự án đồng bộ, đúng chất lượng, tiến độ khai thác theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật...
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng và đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giúp Chính phủ thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong quá trình triển khai Dự án.