Đây là đánh giá của Công ty TNHH Grab đối với quy định liên quan đến hộp đèn trên phương tiện kết nối qua ứng dụng phần mềm được đề cập tại dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP).
Grab – đơn vị đang dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ kết nối vận tải đường bộ qua ứng dụng phần mềm cho rằng, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường (theo tinh thần Khoản 8 Điều 1 Thông tư 60/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT). Do đó, việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng (điểm b Khoản 1 Điều 6) và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử (điểm c Khoản 1 Điều 7) là không cần thiết.
Cụ thể, nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” trên kính trước của xe như quy định pháp luật. Với mục đích nhận diện xe cho hành khách thì đề xuất này cũng không cần thiết, vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy.
Trong khi đó, nếu đề xuất này được chấp thuận sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải. Đây là những lý do mà Grab đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.
Trong khi đó, bình luận về đề xuất gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử, Tiến sỹ Lương Hoài Nam cho rằng quy định này nếu được thông qua không khác gì việc “đeo mào cho 4.0”.
"Sẽ chẳng có chủ xe gia đình, xe doanh nghiệp nào chấp nhận dán mào cố định "Xe hợp đồng" trên nóc xe của mình để chạy Grab, Be, FastGo nên quy định như vậy bản chất là vô hiệu hoá mô hình kinh tế chia sẻ này”, ông Nam đánh giá.
Liên qua đến việc phân chia các công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tại Khoản 2 Điều 3 Dự thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan hôm 8/4/2019 và dự thảo vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ hôm 12/4/2019 đều quy định nếu doanh nghiệp thực hiện một trong hai công đoạn sau “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”, thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đại diện Grab e ngại hai khái niệm sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc áp dụng các quy định pháp luật.
Do hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm nhiều công đoạn nên Grab cho rằng việc cơ quan soạn thảo chỉ đưa hai công đoạn “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” vào định nghĩa kinh doanh vận tải, mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác, như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện, v.v. là không hợp lý.
“Cần quy định rõ ràng các khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”; đồng thời, bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, ông Lim Yen Hock, Giám đốc Grab cho biết.
Liên quan đến các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được đề cập trong dự thảo, Grab cho biết, Điều 13 Dự thảo chỉ quy định các điều kiện áp dụng cho hoạt động kinh doanh vận tải nói chung. Trong khi đó, khoản 2 Điều 3 Dự thảo lại phân chia hoạt động kinh doanh vận tải thành các công đoạn khác nhau. Như vậy, sẽ dẫn đến khả năng một đơn vị dù chỉ thực hiện một công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng vẫn phải xin phép kinh doanh và tuân thủ toàn bộ các điều kiện kinh doanh vận tải. Điều này hoàn toàn không hợp lý và không có cơ sở pháp lý.
Grab đề nghị Bộ GTVT cần quy định rõ các điều kiện kinh doanh phù hợp với các công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải tương ứng.
Trong công văn số 3427/BGTVT – VT ngày 12/4/2019 báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát nội dung dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo kết luận số 93/TB-VPCP, Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quan điểm đối với phần lớn quy định được đề xuất tại dự thảo trình Thủ tướng vào tháng 1/2019 cũng như trong lần xin ý kiến hôm 8/4 và cho biết là đã nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan.
Theo Bộ GTVT, hiện tại, Luật giao thông đường bộ năm 2008 chưa được sửa đổi, có nhiều nội dung đã cho thấy sự bất cập giữa quy định của Luật này với thực tế. Trong bối cảnh chưa điều chỉnh được Luật giao thông đường bộ và sự phát triển nhanh chóng của của cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng các quy định trong Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải đáp ứng các yêu cầu: vừa phù hợp với Luật giao thông đường bộ, vừa phù hợp với thực tế ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ về an toàn giao thông, vừa tạo thuận lợi nhất cho đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển, công bằng, minh bạch và thuận tiện cho người dân đi lại… là hết sức khó khăn, do đó cần có những quy định phù hợp để điều chỉnh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội rất cao này.