Đề xuất giữ nguyên phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đoạn qua TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận TP.HCM có chiều dài khoảng 13 km, dự kiến bố trí 1 ga tại Thủ Thiêm và 1 đề pô tại Long Trường.
Phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP.HCM. Phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP.HCM.

Bộ GTVT vừa có công văn số 8742/BGTVT – KHĐT gửi UBND TP.HCM để thỏa thuận phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận thành phố.

Giữ nguyên phương án hướng tuyến

Theo Bộ GTVT, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/0/2023 của Bộ Chính trị, căn cứ định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ, hiện nay bộ này đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Bộ GTVT dự kiến hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023, trình Bộ Chính trị trong tháng 11/2023; hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình, phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025.

Liên quan đến phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng trên địa bàn TP.HCM, Bộ GTVT cho biết là, năm 2018, căn cứ kết quả nghiên cứu đề xuất của Tư vấn lập Dự án và theo đề nghị của Bộ GTVT, UBND TP.HCM đã có ý kiến thống nhất về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng tại văn bản số 5567/UBND-ĐT ngày 10/12/2018, trên cơ sở đó Bộ GTVT đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét, thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vào tháng 2/2019.

Năm 2022, trên cơ sở nghiên cứu độc lập của Tư vấn thẩm tra về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã gửi xin ý kiến và UBND TP.HCM đã có văn bản trả lời số 499/UBND-DA ngày 17/2/2023.

Tại văn bản này, UBND TP.HCM đã đánh giá hướng tuyến đề xuất trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã cơ bản phù hợp với nội dung quản lý không gian theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025; Ga Thủ Thiêm thống nhất quan điểm phát triển khu vực nhà ga theo mô hình TOD.

Về đề pô, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tư vấn thẩm tra bổ sung các tiêu chí so sánh ưu nhược điểm, khả thi - kinh tế - kỹ thuật của phương án giữ nguyên và phương án di dời để có có sở đề xuất chính thức.

Tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước , để có cơ sở hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, ngày 21/7/2023, Bộ GTVT đã họp với 20 tỉnh/thành phố về rà soát, thống nhất phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng.

Tại cuộc họp nói trên, trên cơ sở báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, Liên danh tư vấn lập Dự án, ý kiến của Liên danh tư vấn thẩm tra, đại diện UBND TP.HCM đã thống nhất với phương án đề xuất của tư vấn.

Cụ thể, huớng tuyến và vị trí ga đi qua địa phận TP.HCM giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được thành phố thống nhất với Bộ GTVT năm 2018.

“Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM có văn bản thống nhất về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng của Dự án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Văn bản thỏa thuận đề nghị gửi về Bộ GTVT trước ngày 15/8/2023 làm cơ sở để Bộ GTVT hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án”, công văn số 8742 nêu rõ.

Nghiên cứu bổ sung thêm ga Tân Kiên

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Bộ GTVT xây dựng năm 2018, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sau khi vượt Sông Đồng Nai về phía hạ lưu cầu Long Khánh của tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến đi vào địa phận TP.HCM.

Tuyến đi song song và chung hành lang về phía nam đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Trên địa phận TP.HCM, tuyến giao cắt với, nút giao đường Vành đai 3, đường Nguyễn Duy Trinh, đường Vành Đai 2, đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao An Phú về ga Thủ Thiêm.

Ga Thủ Thiêm thuộc P.An Phú, Quận 2 và có diện tích khoảng 17,2ha và là ga đầu mối phía nam của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho rằng, hướng tuyến như trên đã đảm bảo kết nối hướng tuyến các địa phương liền kề (Đồng Nai ở phía Bắc); đáp ứng các tiêu chí chiều dài tuyến ngắn, hạn chế ảnh hưởng tới các công trình hiện hữu, bám sát để đi về vị trí ga được lựa chọn theo yêu cầu của địa phương.

Ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, Quận 2 và có diện tích khoảng 17,2ha và là ga đầu mối phía nam của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Vị trí ga tại TP.HCM đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao và các hệ thống giao thông của khu đô thị mới Thủ Thiêm và của TP.HCM. Khu vực quảng trường ga Thủ Thiêm là không gian xây dựng các điểm dừng xe buýt, bãi đỗ taxi, ga của tuyến đường sắt đô thị (Tuyến số 2), kết nối quảng trường ga với trục Đông – Tây (Đại lộ Mai Chí Thọ) vào trung tâm TP.HCM qua hầm Thủ Thiêm; đồng thời khu vực xung quanh quảng trường ga được quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết đường khu đầu thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 6/2013. Theo đó, điểm đề pô Long Trường đã được quy hoạch tại phường Long Trường, Quận 9 cho tuyến đường sắt TP.HCM – Nha Trang (trong phạm vi nghiên cứu đường sắt khu đầu mối).

Vị trí đề pô được quy hoạch nằm gần nút giao đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây và đường vành đai 3. Trong khu vực quy hoạch cùng với đất bến bãi và đất cây xanh. Khu đất quy hoạch được bao xung quanh bởi đường bộ cao tốc, đường Vành đai 3 và đường Tam Đa.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu rà soát hướng tuyến, vị trí ga của tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa phận TP.HCM trên cơ sở góp ý của đơn vị tư vấn thẩm tra, các ý kiến của địa phương tại trong quá trình phối hợp làm việc, Liên danh Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kiến nghị như giữ nguyên phương án hướng tuyến và vị trí ga đã được UBND TP.HCM thống nhất tại văn bản số 5567/UBND-ĐT ngày 10/12/2018.

Tuy nhiên, Tư vấn xin tiếp thu nghiên cứu phương án kết nối hành khách vào khu vực đầu mối TP.HCM và xem xét nghiên cứu một tuyến kết nối từ ga Thủ Thiêm đến ga Tân kiên cho vận tải hành khách.

Từ năm 2005 đến nay Bộ GTVT đã triển khai nhiều nghiên cứu để xem xét đầu tư tuyến đường sắt này, cụ thể:

- Từ 2005 – 2008, tư vấn Hàn Quốc đã nghiên cứu khả thi đoạn Hà Nội-Hà Tĩnh và Nha Trang-Sài Gòn; tốc độ thiết kế giai đoạn 1 là 200 km/h, giai đoạn 2 là 350 km/h; đường đôi khổ 1.435mm chỉ khai thác tàu khách; tổng mức đầu tư đoạn Hà Nội-Hà Tĩnh là 12,9 tỷ USD (suất đầu tư 38,54 triệu USD/km), đoạn Nha Trang-Sài Gòn là 9.2 tỷ USD (suất đầu tư 25,24 triệu USD/km).

- Từ 2009 – 2010, tư vấn Việt Nam - Nhật Bản đã nghiên cứu tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350km/h, đường đôi khổ 1.435mm chỉ khai thác tàu khách, chiều dài 1.570km, với 27 ga và 5 khu depot, tổng mức đầu tư 55,9 tỷ USD (suất đầu tư 35,6 triệu USD/km).

- Từ 2011 – 2013, tư vấn Nhật Bản đã nghiên cứu 2 đoạn tuyến Hà Nội - Vinh (dài 284km, tổng mức đầu tư 10,2 tỷ USD, suất đầu tư 35 triệu USD/km) và đoạn TP. HCM - Nha Trang (dài 366km, tổng mức đầu tư 9,9 tỷ USD, suất đầu tư 27,1 triệu USD/km), tốc độ thiết kế tối đa 350km/h, đường đôi, khổ 1.435mm.

- Từ 2017 – 2019, liên danh tư vấn trong nước là TEDI-TRICC-TEDIS đã nghiên cứu tuyến mới phục vụ tàu khách, tốc độ thiết kế 350km/h, đường đôi khổ 1435mm, dài 1559km, 24 ga và 3 ga quy hoạch, 5 depot, tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD; suất đầu tư 38 triệu USD/km.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục