Đề xuất giải pháp nâng sức hấp dẫn của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chỉ có một tuyến bay cố định kết nối với TP.HCM với tần suất trung bình khoảng 6 chuyến/tuần và một số chuyến bay charter quốc tế.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh (ảnh: Sungroup). Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh (ảnh: Sungroup).

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vân Đồn vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Được biết, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là công trình giao thông đặc biệt với quy mô sân bay cấp 4E; chiều dài đường cất hạ cánh là 3.600m; công suất 2,5 triệu hành khách/năm (công suất theo quy hoạch đến năm 2030 là 2,5 triệu hành khách/năm; sau 2030 là 5 triệu hành khách/năm) được đầu tư xây dựng từ năm 2015 và đã hoàn thành đưa vào sử dụng và chính thức khai thác thương mại từ tháng 12/2018.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2019 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đã tác động trực tiếp tới hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Hiện nay, tại sân bay này chỉ có tuyến bay cố định Vân Đồn – TP. HCM với tần suất trung bình khoảng 6 chuyến/tuần và một số chuyến bay charter quốc tế.

Với thực trạng trên, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vân Đồn nhận định rằng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hàng không theo định hướng phát triển mà Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh. Theo Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vân Đồn, việc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chưa khai thác hiệu quả do nhiều yếu tố, nhưng có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc chưa cung cấp đủ các dịch vụ như nhà ga hàng hóa, hangar sửa chữa tàu bay, khu chế biến suất ăn, sân đỗ tàu bay và các khu dịch vụ sân bay, do đó chưa thu hút được các hãng hàng không lớn triển khai các đường bay tới Quảng Ninh, đặc biệt không thu hút được các tàu bay có nhu cầu để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa lớn.

Để nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và hiện thực hóa chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc khẩn trương xây dựng tuyến chuyển hàng (cargo) với sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc – Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vân Đồn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận cho phép Công ty được tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn bộ các chi phí liên quan tới xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; nghiên cứu, lập hồ sơ quy hoạch; công bố quy hoạch, theo quy định do Công ty tự nguyện chi trả theo căn cứ tại Điều 38 Nghị định 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

“Việc tài trợ là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch”, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vân Đồn cam kết.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, có vị trí giao thương chiến lược tại khu vực phía Bắc.

Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO). Sân bay có cơ sở vật chất hiện đại với đường băng dài 3,6 km, rộng 45 m đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787.

Nhà ga có công suất 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm. Đây là dự án tạo động lực tăng trưởng cho Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung, thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư đến với vùng di sản.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục