Đề xuất dừng bán vé vào công viên Thống Nhất, Hà Nội từ năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Sở Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội về việc dừng bán vé vào công viên Thống Nhất từ 1/1/2023 do doanh thu không đủ chi cho nhân viên bán vé.
Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Công viên Thống Nhất, Hà Nội.

Theo Sở Xây dựng, việc thu phí vào cửa công viên Thống Nhất thực hiện theo Quyết định số 1467 ngày 20/10/2008 của UBND Thành phố Hà Nội.

Trong đó, mức phí với trẻ em là 2.000 đồng/lượt, người lớn 4.000 đồng/lượt. Số tiền thu được mỗi năm khoảng 700 triệu đồng, chỉ giải quyết hơn 50% kinh phí trả lương cho nhân viên bán vé.

Cụ thể, tiền bán vé năm 2019 gần 700 triệu đồng, năm 2020 trên 500 triệu đồng, năm 2021 hơn 300 triệu đồng (do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) và 10 tháng đầu năm 2022 là 630 triệu đồng.

Trong khi đó, công ty Công viên Thống Nhất bố trí 22 nhân viên bán vé theo ba ca, tại 7 cổng. Số tiền trả lương cho nhân viên bán vé gần 110 triệu đồng một tháng (gần 5 triệu đồng một người), khoảng 1,3 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc bán vé vào cổng công viên cũng bị phản ánh là không hợp lý khi "thu phí quần dài, miễn phí quần đùi".

Những người vào công viên tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà đi qua cổng không phải mua vé. Còn học sinh, người đi làm mặc quần áo chỉnh tề đều bị thu 4.000 đồng một lượt.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã thống nhất chủ trương về đề án tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang.

Cụ thể, chủ trương lập đề án đã được UBND Thành phố Hà Nội thông qua từ tháng 8/2022. Thực hiện chủ trương này, đến tháng 11, quận Hai Bà Trưng đề nghị Thành phố Hà Nội phê duyệt đề án. Tuy nhiên, nội dung tờ trình chưa cụ thể, rõ ràng để có thể đưa không gian đi bộ khai trương hoạt động từ ngày 1/1/2023.

Trước tình hình đó, UBND Thành phố giao quận Hai Bà Trưng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh phương án tổ chức không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận.

UBND Thành phố định hướng nghiên cứu theo 2 giai đoạn phát triển không gian đi bộ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Trong đó, giai đoạn 1 xác định không đưa các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du vào không gian tuyến phố đi bộ (do ảnh hưởng tới tổ chức giao thông).

Giai đoạn 2 có thể nghiên cứu mở rộng đối với các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du. Đồng thời nghiên cứu lồng ghép trong không gian đi bộ các công trình quan trọng tại khu vực như Nhà hát chèo, Rạp xiếc Trung ương… và các không gian ngầm, công trình kiến trúc nổi bật sau khi hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 của Công viên Thống Nhất.

UBND Thành phố Hà Nội thống nhất phương án đề xuất của quận Hai Bà Trưng tổ chức không gian đi bộ giai đoạn 1 vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

Thành phố Hà Nội cũng thống nhất tạo không gian mở Công viên Thống Nhất (phía đường Trần Nhân Tông) để kết nối với không gian đi bộ, liên kết công viên với hồ Thiền Quang.

Cùng với đó, UBND Thành phố yêu cầu nghiên cứu phương án kết nối, hoạt động văn hóa nghệ thuật từ Công viên Thống Nhất ra không gian đi bộ.

Thời gian tiếp theo, quận Hai Bà Trưng cùng đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện các Dự án đầu tư để hoàn chỉnh không gian đi bộ theo quy trình, quy định của Luật Đầu tư công.

Thành phố Hà Nội thống nhất khai trương không gian đi bộ quận Hai Bà Trưng đồng thời với rỡ bỏ tường rào một phía của Công viên Thống Nhất dự kiến từ ngày 1/1/2023.

Trên cơ sở nền tảng hiện trạng hạ tầng đã có tại phố đi bộ, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu quận Hai Bà Trưng tiếp tục phân kỳ trong tương lai để hoàn thiện phương án tổ chức hoạt động.

Hạnh Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục