Đề xuất Dự án vũng quay tàu đoạn Lạch Huyện, Hải Phòng trị giá 386 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Dự án này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu quay trở tàu, vận tải ngày càng tăng tại cảng biển Hải Phòng, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, tăng tính hấp dẫn và năng suất khai thác cảng tại khu vực.
Một góc cảng Lạch Huyện - Hải Phòng. Một góc cảng Lạch Huyện - Hải Phòng.

Ban quản lý dự án Hàng hải vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT xem xét, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Vũng quay tàu đoạn Lạch Huyện thuộc luồng hàng hải Hải Phòng.

Dự án có mục tiêu giúp đáp ứng nhu cầu quay trở tàu, vận tải ngày càng tăng tại cảng biển Hải Phòng, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, tăng tính hấp dẫn và năng suất khai thác cảng tại khu vực.

Trên cơ sở chuẩn quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Hải Phòng và quy hoạch chi tiết khu bến Lạch Huyện, quy mô Dự án đầu tư xây dựng Điều chỉnh vũng quay tàu tại khu vực bến số 1, số 2 khu bến cảng Lạch Huyện là: dịch chuyển vũng quay tàu khu vực bến số 1, số 2 về phía đảo Cát Bà 1 khoảng 45m; mở rộng đường kính vũng quay từ 660m lên 730m để có thể tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 100.000DWT đầy tải, 160.000DWT giảm tải và các cỡ tàu lớn hơn có thông số phù hợp phục vụ tàu quay trở ra, vào từ bến số 1 đến bến số 6 khu bến cảng Lạch Huyện; thiết lập tuyến kè bảo vệ mái dốc có chiều dài khoảng 350m.

Theo tính toán sơ bộ, tổng khối lượng nạo vét dự kiến tại Dự án là khoảng 1,06 triệu m3; toàn bộ chất nạo vét được nhận chìm tại khu vực biển cách vị trí nạo vét khoảng 30km.

Theo số liệu báo cáo, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng trong những năm gần đây luôn đạt mức tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, sắp cán mốc 3 chữ số 100 triệu tấn/năm, cụ thể năm 2023 đạt 97 triệu tấn, tổng thể giai đoạn 2019-2023 tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng đạt 4%/năm.

Đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng đó là sự gia tăng ấn tượng lượng hàng của khu bến Lạch Huyện, kể từ khi đi vào khai thác từ năm 2018 tốc độ tăng trưởng bình quân lượng hàng qua khu vực này đạt xấp xỉ 30%/năm (không tính lượng hàng thông qua năm 2018).

Năm 2023 lượng hàng khai thác tại bến cảng TC-HICT đạt kỷ lục về sản lượng hàng hóa khai thác trong 1 năm là 1,27 triệu teus (Đạt 115% công suất thiết kế), tháng 10/2023, sản lượng thông qua Cảng đạt 144,200 TEU là sản lượng cao nhất trong 1 tháng kể từ khi đi vào hoạt động.

Thống kê cả năm có 1.104 lượt tàu ra, vào khai thác làm hàng tại cầu cảng, 552 lượt tàu quay trở tại vũng quay tàu bến số 1, số 2 (trung bình 1,5 tàu/ngày), cỡ tàu lớn nhất ra, vào làm hàng có trọng tải đến 145.000DWT, tháng 5/2023 là tháng đạt kỷ lục về tiếp nhận với 61 chuyến tàu ra vào cảng (trung bình hơn 2 tàu/ngày).

Điều này cho thấy được sự tăng trưởng ấn tượng về lượng hàng hóa thông qua, mật độ tàu lưu thông nhộn nhịp tại khu vực, tất cả nói lên sức hấp dẫn rất lớn về 1 khu vực cảng đầy tiềm năng tại khu vực. Tuy nhiên, theo thông tin từ đơn vị chủ quản cảng HICT, về hạ tầng hàng hải khu vực, hiện nay vũng quay tàu Lạch Huyện đang chồng lấn vào khu nước cầu cảng số 1 khoảng 45m, đồng nghĩa với việc khi có tàu trọng tải >100.000DWT hoặc các tàu có chiều dài trên 300m làm hàng tại cầu cảng số 1 thì sẽ không đảm bảo an toàn hàng hải cho các tàu khác quay trở tại vũng quay tàu.

Vì vậy các tàu khác phải neo chờ tàu tại các khu neo tại các khu 3 neo khu vực Hòn Dấu, hoặc ngoài phao số “0”, khi cầu cảng số 1 trống tàu thì mới được lai dắt vào vũng quay thực hiện công tác quay trở.

Chính điều đó gây tắc nghẽn cục bộ tuyến hàng hải trong khu vực, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Trong khi đó, bến số 3, số 4 cảng Lạch Huyện của Công ty cổ phần cảng Hải Phòng đang xây dựng dự kiến bắt đầu khai thác vào cuối năm 2024, đầu năm 2025 tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải đến 100.000 DWT, xem xét đến tương lai dài hạn có thể tiếp nhận các tàu đến 12.000 teus (tương đương 160.000 DWT) giảm tải vào cập cảng.

Bến số 5, số 6 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco dự kiến bắt đầu khai thác vào đầu năm 2025 tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải đến 12.000 teus (tương đương 160.000DWT) hoặc lớn hơn đến 18.000 teus (tương đương 200.000DWT) với tải trọng, thông số kỹ thuật phù hợp với kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng yêu cầu về an toàn.

Bến số 7, số 8 của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối tháng 4/2023 với quy mô bến cảng có chiều dài 900m, tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải đến 12.000 teus hoặc lớn hơn đến 18.000 teus.

Ngoài ra tại bến số 1, số 2 cũng đang tiến hành các thủ tục kiểm định nâng cấp tiếp nhận cỡ tàu đến 160.000DWT vào khai thác.

Như vậy, trong tương lai gần khi các bến cảng hoàn thành xây dựng đi vào khai thác thì sản lượng hàng hóa thông qua sẽ rất lớn, sản lượng hàng hóa ngày càng cao dẫn đến mật độ tàu thuyền lưu thông ngày càng nhiều.

Chính vì vậy việc ưu tiên giai đoạn sắp tới thì việc điều chỉnh dịch chuyển vị trí, thông số vũng quay tàu tại bến số 1, số 2 Lạch Huyện về phía đảo Cát Bà 45m, đồng thời mở rộng bán kính vũng quay tàu nhằm tạo vùng nước đủ đảm bảo an toàn cho các tàu container có trọng tải đến 100.000DWT đầy tải, 160.000DWT giảm tải và các cỡ tàu lớn hơn có thông số phù hợp là thực sự cần thiết và cấp bách.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục