Kết nối đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan tại TP. Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
Sáng 16/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị Kết nối đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan.
Bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng thông tin về Thành phố tới 16 doanh nghiệp Hà Lan. Ảnh: Thanh Sơn Bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng thông tin về Thành phố tới 16 doanh nghiệp Hà Lan. Ảnh: Thanh Sơn

Tham dự hội nghị có 16 doanh nghiệp Hà Lan lần đầu đến Việt Nam, mong muốn tìm hiểu về môi trường đầu tư của Hải Phòng, một số chính sách và cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị, bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã giới thiệu khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của Hải Phòng.

Theo đó, Hải Phòng luôn là địa phương nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Thành phố có nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư nước ngoài với đủ 5 loại hình giao thông; hệ thống cảng biển hiện đại lớn nhất miền Bắc; hạ tầng khu, cụm công nghiệp đồng bộ với những ưu đãi đặc biệt về thuế.

Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn Thành phố từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 đạt hơn 3,073 tỷ USD, gấp 1,68 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 153,68% kế hoạch thu hút 2023. Trong đó, có 16 dự án đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp, đối tác Hà Lan, với tổng vốn đầu tư hơn 280 triệu USD. Các dự án đều hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng đã đặt ra mục tiêu thu hút tổng vốn đầu tư nước ngoài là 11 tỷ USD. Nhằm hoàn thành mục tiêu thu hút vốn đầu tư trên, trong thời gian tới, Hải Phòng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các lĩnh vực: Các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường, quản trị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có đóng góp ngân sách lớn, đẩy mạnh xuất khẩu, có nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có khả năng lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị, góp phần đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ Thành phố, tăng tỷ lệ nội địa hóa; Các trung tâm logistics lớn với chuỗi cung ứng đảm bảo cung cấp dịch vụ logistics trọn gói ở tất cả các công đoạn; Các dự án du lịch tiêu chuẩn quốc tế, phát huy giá trị văn hóa của Hải Phòng.

Quang cảnh Hội nghị kết nối. Ảnh: Thanh Sơn

Quang cảnh Hội nghị kết nối. Ảnh: Thanh Sơn

Tại cuộc gặp mặt và làm việc, Đoàn doanh nghiệp Hà Lan với một số doanh nghiệp giày dép lớn như Monfrance Schoenmode, Calandschoen, Rhijn Koppen Modesschoenen B.V.in Zeist, ANWR-Garant, Antonio Due Shoe Import đã bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ trước sự phát triển của Hải Phòng và mong muốn tìm hiểu về quy trình sản xuất giày dép ở Việt Nam, xu hướng giày dép tại Việt Nam cũng như khả năng tìm nguồn cung ứng sản phẩm này.

Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp Hà Lan khảo sát, tiếp cận được nhiều mẫu mã, công nghệ và gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với các đối tác, nhà phân phối; xây dựng, củng cố các kết nối và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng mới. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nghị cũng đã giới thiệu tiềm năng, thương hiệu, sản phẩm của mình; kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp để có thể đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp cận, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành da giày tại Hà Lan và thế giới.

Chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn doanh nghiệp Hà Lan. Ảnh: Thanh Sơn

Chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn doanh nghiệp Hà Lan. Ảnh: Thanh Sơn

Sau cuộc làm việc, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Lan sẽ tích cực tìm hiểu, tăng cường hợp tác, triển khai các dự án mà hai bên cùng quan tâm, nhất là trong chuyên ngành sản xuất da giày. Bên cạnh đó, cũng có 2 doanh nghiệp Hà Lan tìm hiểu thông tin liên quan đến cảng Hải Phòng và các dịch vụ liên quan đến cảng biển, thông tin đầu vào cho chuỗi sản xuất, đóng gói và vận chuyển hàng hóa.

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục