Đề xuất đầu tư gần 7 tỷ USD xây dựng cao tốc Bắc - Nam: Phép thử về năng lực điều hành của các địa phương

0:00 / 0:00
0:00
Có hai điểm đáng chú ý trong Tờ trình số 519/TTr-CP về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.
Đề xuất đầu tư gần 7 tỷ USD xây dựng cao tốc Bắc - Nam: Phép thử về năng lực điều hành của các địa phương

Cụ thể, cùng với đề xuất đầu tư xây dựng 729 km cao tốc Bắc - Nam trị giá 146.990 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, Chính phủ còn kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ quyết định việc giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì 12 dự án thành phần thuộc Dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Đề xuất đầu tiên nhận được sự đồng thuận rất cao của cả nhà đầu tư giao thông lẫn các chuyên gia kinh tế, bởi trong giai đoạn hiện nay, triển khai theo phương thức đối tác PPP tiềm ẩn rủi ro về tiến độ do rất khó huy động vốn.

Đó là chưa kể, trong bối cảnh do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới đều đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu, tạo việc làm cho xã hội.

Với quy mô lên tới gần 7 tỷ USD, nếu triển khai nhanh, gọn trong khoảng 4 năm, Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021- 2025 sẽ thực sự là một trong những công trình hạ tầng động lực, giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế đất nước.

Trong khi đó, chủ trương giao các địa phương làm chủ đầu tư 12 dự án thành phần, với tất cả các công đoạn từ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, quản lý thi công… đến bàn giao, đưa vào khai thác đã tạo ra những lo lắng nhất định trong dư luận xã hội.

Gần đây, việc triển khai các dự án hạ tầng đường cao tốc - công trình có quy mô vốn đầu tư lớn, phức tạp về kỹ thuật nếu sử dụng vốn đầu tư công thường do các bộ quản lý chuyên ngành làm chủ đầu tư. Sự tham gia của địa phương (nếu có) cũng chỉ là làm chủ đầu tư tiểu dự án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo tính toán sơ bộ, mỗi dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đều có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, có dự án đi qua 2 tỉnh, nên đòi hỏi yêu cầu rất cao về năng lực quản lý, sự chuyên nghiệp trong điều hành dự án. Trong khi đó, năng lực của các tỉnh có tuyến cao tốc đi qua là không tương đồng, thậm chí nhiều địa phương chưa từng làm chủ đầu tư các dự án có quy mô vài ngàn tỷ đồng, nên có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình, cũng như sự vận hành đồng bộ của công trình.

Song ở chiều ngược lại, việc giao các địa phương làm chủ đầu tư sẽ giúp tăng cường tính chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng. Việc thực hiện phân cấp còn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, việc giao dự án do địa phương quản lý cũng là để cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với chịu trách nhiệm và gắn với kiểm tra, giám sát.

Kinh nghiệm từ việc triển khai thành công các dự án đường cao tốc tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, không nhất thiết phải chờ đến khi vai trò quản lý của các địa phương hoàn hảo rồi mới thực hiện phân cấp, phân quyền nếu như các tỉnh, thành phố nhận được sự đồng hành hỗ trợ và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Với chính quyền các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua, khi nhận vai trò chủ đầu tư các dự án thành phần, cũng phải nhận thức đầy đủ những khó khăn, thách thức về việc đảm bảo cho công trình triển khai đúng tiến độ, chất lượng, đúng trình tự, quy định của pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, lãng phí… Trách nhiệm là rất lớn nếu để dự án bê trễ, xuất hiện những sai phạm, thất thoát.

Chính vì vậy, ngay từ lúc này, các địa phương phải nhanh chóng bổ sung nhân lực điều hành dự án chất lượng cao, chuyên nghiệp, nghiên cứu xây dựng mô hình điều hành dự án cho phù hợp.

Nếu được Quốc hội chấp thuận phê duyệt Dự án với các nội dung như Chính phủ đề xuất, thì các địa phương cần phải thực hiện thật tốt các bước chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi thật chuẩn chỉ, đúng tiến độ và có chất lượng. Đây cũng chính là phép thử quan trọng cho năng lực điều hành của địa phương khi được phân cấp, phân quyền trước khi bắt tay triển khai một trong những dự án hạ tầng động lực, có quy mô vốn rất lớn của đất nước trong 5 - 10 năm tới.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục