Bộ GTVT vừa có công văn số 8009/BGTVT – KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất Dự án xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1 sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).
Bộ GTVT cho biết là hiện bộ này đang khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bao gồm cả các dự án dự kiến sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong thời gian tới.
Bộ GTVT xác định sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, có tác động lan toả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: hệ thống các trục đường cao tốc, đường vành đai đô thị…, trong đó có tuyến đường cao tốc kết nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1 có mục tiêu từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc; rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh Hà Giang và các địa phương trong khu vực về Thủ đô Hà Nội; nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 83,3 km, trong đó điểm đầu giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc địa phận thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; điểm cuối giao với Quốc lộ 2, thuộc địa phận thị trấn Việt Quang, huyện Bắc.
Trong giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, tuyến được khai thác với quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100km/h. Trong giai đoạn 1 khai thác với quy mô đường cao tốc 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/h, mặt cắt ngang phân kỳ có chiều rộng nền đường 13,5m.
Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến khoảng 8.737 tỷ đồng, tương đương khoảng 377,53 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của EDCF là khoảng 7.082 tỷ đồng (tương đương khoảng 306,03 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công, chi phí dự phòng.
Phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là khoảng 1.655 tỷ đồng (tương đương khoảng 71,50 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: thuế giá trị gia tăng (đối với chi phí xây lắp, thiết bị; thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công); chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng (thuế tương ứng).
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, thời gian thực hiện Dự án là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027).