Ban quản lý dự án 2 vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án có điểm đầu tại nút giao IC14 (lý trình Km149+705 đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai), thuộc địa phận tỉnh Yên Bái; điểm cuối giao với Quốc lộ 2 (Km235+700 - lý trình Quốc lộ 2) tại khu vực huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Dự án phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng tuyến với yếu tố bình diện, trắc dọc theo tiêu chuẩn đường cao tốc, mặt cắt ngang phân kỳ có chiều rộng nền đường 13,5m (đoạn khó khăn với vận tốc thiết kế 60km/h có bề rộng nền đường 12m).
Vị trí điểm đầu dự án theo phương án tận dụng nút giao IC14 và cầu Mậu A hiện tại tại, tuyến có điểm đầu tại km1+160 (giao với đường Hồng Hà thuộc địa phận thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và chiều dài tuyến khoảng 82,1 km. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng với quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100km/h, chiều rộng nền đường 22 - 24,75m.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 8.607 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Hiện tại việc kết nối từ Hà Giang đi về khu vực đồng bằng sông Hồng, Hà Nội và cảng biển chỉ đi theo một đường độc đạo duy nhất là Quốc lộ 2. Theo kết quả đếm xe, lưu lượng xe trên Quốc lộ 2 hiện nay khoảng 13.204 PCU/ngày đêm. Quy mô Quốc lộ 2 hiện nay là đường cấp III miền núi, bề rộng nền đường 9m, bề rộng làn xe cơ giới là 6 m. Do vậy Quốc lộ 2 đã bắt đầu quá tải làm ảnh hưởng đến tốc độ thông hành của các phương tiện giao thông.
Theo Ban quản lý dự án 2, Hà Giang là địa phương có tiềm năng rất lớn về du lịch, văn hóa và khoáng sản. Đặc biệt cửa khẩu Thanh Thủy thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên với vị thế là cửa khẩu quốc tế duy nhất nơi địa đầu tổ quốc, đã trở thành nơi giao thương, buôn bán và thu hút đông đảo khách du lịch.
Ngày 15/1/2010, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy được thành lập dự kiến bao gồm các phân khu: khu hành chính, khu phi thuế quan, khu công nghiệp,.. và trở thành nơi trọng điểm phát triển kinh tế của Hà Giang. Tuy nhiên, cửa khẩu Thanh Thủy nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng này một phần là do hệ thống đường giao thông còn đi lại khó khăn.
Do đó việc xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng chính là một phần giúp phát triển kinh tế - thương mại của khu vực phía Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng.
Dự án được thực hiện sẽ nâng cao khả năng kết nối giữa các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Hà Giang và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và kết nối tiểu vùng GMS, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của tỉnh Hà Giang.