UBND tỉnh Bình Định vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Phù Cát theo quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục: đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay; xây dựng di chuyển các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ xây dựng mở rộng khu hàng không dân dụng; xây dựng khu hàng không dân dụng.
Trong đó, giai đoạn trước mắt, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép triển khai đầu tư ngay hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay với tổng mức đầu tư 3.013 tỷ đồng (trong đó giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.008 tỷ đồng), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
UBND tỉnh Bình Định cho biết là theo quy định của Luật Hàng không dân dụng và các nghị định có liên quan, thẩm quyền đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay thuộc về Bộ GTVT và doanh nghiệp cảng hàng không.
Việc UBND tỉnh Bình Định đầu tư hạng mục nói trên bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh (bao gồm nguồn vốn Trung ương hỗ trợ) sẽ không phù hợp theo quy định về nhiệm vụ chi đầu tư.
Do đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù giao cho địa phương này đầu tư xây dựng các hạng mục: đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay từ nguồn ngân sách do tỉnh quản lý (bao gồm nguồn vốn Trung ương hỗ trợ). Đồng thời đồng ý cho chủ trương tách nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để địa phương chủ động bố trí đủ kinh phí (khoảng 1.008 tỷ đồng) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Để đảm bảo nguồn vốn triển khai nhanh dự án, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Phù Cát (khoảng 1.500 tỷ đồng); phần kinh phí còn lại sẽ được bố trí từ ngân sách địa phương.
Theo Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt vào cuối năm 2023, sân bay Phù Cát có vị trí, chức năng trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không nội địa; là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Phù Cát có cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương (có thể tiếp nhận tàu bay code E khi có nhu cầu); phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Phù Cát có cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp I; công suất 7 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương (có thể tiếp nhận tàu bay code E khi có nhu cầu); phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II.
Trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Phù Cát giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước 3.048m x 45m, lề vật liệu rộng 7,5m; quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 song song, cách đường cất hạ cánh hiện hữu 215m về phía Tây với kích thước 3.048 m x 45 m, kích thước lề vật liệu theo quy định. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giữ nguyên theo quy hoạch.
Về nhà ga hành khách, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Phù Cát giữ nguyên nhà ga hành khách T1, quy hoạch mới nhà ga hành khách T3 công suất khoảng 3,5 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở rộng nhà ga hành khách T3 để tổng công suất toàn Cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển về phía Nam.
Cũng trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Phù Cát sẽ chuyển đổi công năng nhà ga hành khách T2 thành nhà ga hàng hóa, đáp ứng công suất khoảng 12.000 tấn hàng hóa/năm; tầm nhìn đến năm 2050 sẽ cải tạo, mở rộng tại vị trí hiện hữu khi có nhu cầu.