Ban quản lý dự án Hàng hải vừa trình Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang, Đà Nẵng.
Công trình giao thông sử dụng vốn đầu tư công, nhóm B này có mục tiêu xây dựng tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang, Đà Nẵng nhằm phục vụ cho nhu cầu khai thác của khu bến Thọ Quang và các cảng, nhà máy quân sự có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 DWT hành hải (tùy từng đoạn luồng).
Dự án bao gồm việc cải tạo, nâng cấp đoạn từ phao số 1 đến hết vũng quay cảng Sơn Trà dài 1.576 m đạt bề rộng luồng 85 m; cao trình đáy luồng -8,1 m (hải đồ), mức nước chạy tàu +1,2 m (Hải đồ), tần suất P=20% cho tàu trọng tải 7.000 - 10.000 DWT đầy tải hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) và đoạn từ vũng quay cảng Sơn Trà đến Nhà máy đóng tàu sông Thu dài 1.350 m với bề rộng luồng 65 m; cao trình đáy luồng -5,6 m (Hải đồ), mực nước chạy tàu +0,98 m (Hải đồ) cho tàu 3.000 DWT đầy tải, tàu quân sự đóng mới 4.100 DWT hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) hành hải, tàu 8.000 DWT không tải.
Công trình có giá trị tổng mức đầu tư là 151,42 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025 9. Thời gian thực hiện là từ năm 2022 đến hết năm 2023.
Trước đó, Bộ GTVT từng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang, cảng biển Đà Nẵng theo hình thức PPP, loại hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT) và giao bộ này nghiên cứu phương án đầu tư từ nguồn NSNN.
Lý do được Bộ GTVT đưa ra là do việc sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải để thanh toán cho nhà đầu tư theo phương án tài chính Dự án là không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Dự án xây dựng tuyến luồng cảng Thọ Quang là công trình đầu tiên trong lĩnh vực hàng hải được triển khai theo hình thức PPP. Dự án đã tiến hành tuyển chọn nhà đầu tư với đơn vị trúng thầu là Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng.
Dự án có tổng mức đầu tư (gồm lãi vay) là 69,831 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp cảng góp vốn đầu tư khoảng 10,1 tỷ đồng để thực hiện nạo vét đoạn luồng trước khu nước trước cảng Sơn Trà (dự kiến khoảng 132.304m3); phần kinh phí còn lại khoảng 59,733 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư huy động gồm: 15% vốn chủ sở hữu là 8,96 tỷ đồng, 85% vốn vay thương mại là 50,773 tỷ đồng để thực hiện nạo vét khối lượng còn lại theo hình thức BLT.
Thời gian nhà đầu tư cung cấp dịch vụ trong khoảng 5 năm (2017-2021) với giá thuê dịch vụ hàng năm (dự kiến 20,089 tỷ đồng/năm), được cân đối từ nguồn phí bảo đảm hàng hải toàn quốc hàng năm để trả cho nhà đầu tư.