Đề xuất bổ sung quy định tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trường hợp tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội trong hai trường hợp: đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can và bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
Quốc hội bàn sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội sáng 12/2 Quốc hội bàn sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội sáng 12/2

Hai trường hợp tạm đình chỉ

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khoá XV vừa khai mạc sáng nay (12/2), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Việc sửa đổi Luật lần này nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật là đã bổ sung quy định về trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, quy định trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội được đề xuất bổ sung vào dự thảo luật nhằm cụ thể hóa Quy định số 148 ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Việc này cũng nhằm bảo đảm phù hợp với Quy định số 41 ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Theo đó, dự thảo Luật nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong 2 trường hợp.

Một là đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can.

Hai là trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội đó.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Cũng theo dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không xử lý kỷ luật, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu hay đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật cũng quy định "đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật".

Đề nghị quy định cụ thể các trường hợp tạm đình chỉ và xử lý hệ quả sau đình chỉ

Về nội dung này, khi thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng tại Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Quy định số 148 ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Uỷ ban Pháp luật đề nghị quy định cụ thể các trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và việc xử lý hệ quả của việc tạm đình chỉ tại Điều 39 cũng như trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

"Điều này nhằm tránh áp dụng tùy nghi, ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của đại biểu Quốc hội và cán bộ công tác tại các cơ quan của Quốc hội", ông Tùng nói.

Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội đã được đưa ra họp tổ vào sáng 12/2, sau đó được thảo luận hội trường vào chiều 12/2 và dự kiến sẽ được thông qua chiều 17/2 tới.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội XV (2021-2025) đến nay, Quốc hội đã bãi nhiệm và cho thôi đại biểu Quốc hội đối với một số đại biểu sau:

Các trường hợp bị bãi nhiệm ĐBQH: ông Nguyễn Thanh Long, đoàn Vĩnh Long; bà Hoàng Thị Thúy Lan, đoàn Vĩnh Phúc; ông Dương Văn Thái, đoàn Bắc Giang; ông Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau.

Các trường hợp cho thôi ĐBQH, gồm: Ông Phạm Bình Minh, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu; ông Lê Minh Chuẩn, đoàn Quảng Ninh; ông Nguyễn Xuân Phúc, đoàn TP.HCM; ông Nguyễn Phú Cường, đoàn Đồng Nai; ông Nguyễn Văn Thạnh, đoàn An Giang; ông Trần Tuấn Anh, đoàn Khánh Hòa; ông Võ Văn Thưởng, đoàn Đà Nẵng; ông Vương Đình Huệ, đoàn Hải Phòng; bà Trương Thị Mai, đoàn Hòa Bình; ông Trần Đình Văn, đoàn Lâm Đồng; ông Đặng Quốc Khánh, đoàn Hà Giang; ông Chẩu Văn Lâm, đoàn Tuyên Quang; ông Dương Văn An, đoàn Vĩnh Phúc.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục