Đề xuất áp giá trần cho dầu Nga của G7 gây tranh cãi về tính khả thi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảy nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới (G7) đã đưa ra đề xuất về mức giá trần đối với dầu của Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng rất nghi ngờ về tính toàn vẹn của đề xuất này.
Đề xuất áp giá trần cho dầu Nga của G7 gây tranh cãi về tính khả thi

Trong khi đó, Nga cũng cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây hại nhiều hơn lợi.

Đề xuất nhiều tham vọng

Mỹ dường như là quốc gia ủng hộ lớn nhất việc áp đặt mức trần lên giá dầu của Nga. Vào tháng 5/2022, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, đề xuất sẽ hoạt động như một mức thuế hoặc giá trần đối với dầu của Nga, giúp đỡ châu Âu trong giai đoạn tạm thời cho đến khi áp đặt lệnh cấm hoàn toàn.

Vào cuối tháng 5, EU đã đồng ý áp đặt dần dần lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga cho đến cuối năm 2022 sau nhiều tuần đàm phán khó khăn giữa 27 quốc gia.

Lượng nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 25% lượng nhập khẩu dầu của EU và EU cũng là một trong những khách hàng quan trọng nhất của Nga. Việc ngừng mua dầu từ Nga là một nỗ lực gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, nhưng sẽ khó kết thúc trong một sớm một chiều do một số nước EU phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trình bày ý tưởng về áp đặt giá trần lên giá dầu Nga với các nhà lãnh đạo còn lại của G7 vào cuối tháng 6. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ý tưởng này rất tham vọng và cần “nhiều công việc” trước khi trở thành hiện thực.

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết: “Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của các nước G7 về gánh nặng tăng giá năng lượng và bất ổn thị trường, cũng như cách những điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh này, theo nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo châu Âu, Ủy ban sẽ tiếp tục công việc của chúng tôi về các cách để kiềm chế giá năng lượng tăng, bao gồm đánh giá tính khả thi của việc đưa ra giới hạn giá nhập khẩu tạm thời khi thích hợp”.

Mức trần cho giá dầu có thể hoạt động như thế nào?

Các nhà phân tích năng lượng đã đặt câu hỏi về bằng cách nào mà G7 có thể áp đặt mức giá trần cho dầu của Nga và cảnh báo rằng, kế hoạch này có thể phản tác dụng nếu những người tiêu dùng quan trọng không tham gia và có thể sắp hết thời gian để làm cho đề xuất trở nên khả thi.

“Những thứ như thế này chỉ có thể hoạt động nếu thu hút được tất cả các nhà sản xuất chủ chốt và quan trọng là tất cả những người tiêu dùng quan trọng cùng làm việc và sau đó tìm ra cách nào đó để thực thi bất kỳ kế hoạch nào đưa ra”, Neil Atkinson, một nhà phân tích dầu độc lập cho biết.

“Thực tế là những người tiêu thụ dầu lớn nhất của Nga, hoặc trong số những người tiêu thụ dầu lớn nhất của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ”, ông cho biết.

Nhà phân tích Atkinson cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ đã “hưởng lợi rất nhiều” từ việc giảm giá dầu thô của Nga. Dầu của Nga đã được bán với mức chiết khấu lớn từ 30 USD trở lên so sánh với giá dầu Brent ở mức 110 USD/thùng - và Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng mua dầu từ Nga.

“Đối với tôi, thành thật mà nói, cơ chế này không hoạt động. Họ chưa nghĩ kỹ, họ chưa trao đổi với Ấn Độ và Trung Quốc. Chúng ta có thực sự nghĩ rằng họ sẽ đồng ý với điều này? Và liệu chúng ta có thực sự nghĩ rằng Nga sẽ thực sự chấp nhận điều này và không trả đũa? Tôi nghĩ điều này nghe có vẻ là một khái niệm lý thuyết rất rất hay, nhưng nó sẽ không hoạt động trong thực tế”, Amrita Sen, đồng sáng lập và Trưởng phòng Nghiên cứu tại Enerry Aspects cho biết.

Theo Claudio Galimberti, Phó chủ tịch cấp cao của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad, cơ chế trực tiếp nhất để áp đặt trần giá dầu của Nga là thông qua bảo hiểm.

“Nhóm Câu lạc bộ Bảo vệ và Bồi thường Quốc tế ở London bao gồm khoảng 95% đội tàu vận chuyển dầu toàn cầu. Các nước phương Tây có thể cố gắng áp đặt trần giá bằng cách cho phép người mua giữ khoản bảo hiểm đó, miễn là họ đồng ý trả không quá một giới hạn giá nhất định cho dầu Nga trên tàu. Tuy nhiên, có rất nhiều trở ngại có thể làm lệch kế hoạch như vậy”, ông cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện sự sẵn sàng cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên đối với “các quốc gia không thân thiện” đã từ chối đáp ứng nhu cầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Theo ông Claudio Galimberti, Trung Quốc là “trở ngại tiếp theo có khả năng xảy ra nhất”, vì Bắc Kinh có thể quyết định vì lý do địa chính trị “hỗ trợ Nga bằng cách chấp nhận phí bảo hiểm thấp hơn của Nga và do đó, tạo điều kiện cho lỗ hổng đối với giới hạn giá”.

“Tuy nhiên, trần giá chắc chắn là một biện pháp đáng xem xét ở giai đoạn này, mặc dù thời gian không còn nhiều vì EU quyết tâm cấm nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay”, ông cho biết thêm.

Nga đã phản ứng như thế nào?

Nga đã cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế giá dầu của Nga có thể tàn phá thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak trong tuần qua mô tả động thái của các nhà lãnh đạo phương Tây xem xét việc áp đặt trần giá là “một nỗ lực khác nhằm can thiệp vào cơ chế thị trường có thể chỉ dẫn đến sự mất cân bằng của thị trường và dẫn đến tăng giá".

Ông cho biết, tin tưởng Nga sẽ khôi phục sản lượng dầu về mức trước khi bị trừng phạt trong những tháng tới, phần lớn là do một lượng đáng kể dầu thô của Nga đã được tái chuyển đến các thị trường châu Á.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục