Đề xuất 5 khuyến nghị chính sách phát triển điện toán đám mây

0:00 / 0:00
0:00
Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) vừa đề xuất 5 khuyến nghị chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam.
Đề xuất 5 khuyến nghị chính sách phát triển điện toán đám mây

Theo Viện IPS, trong Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm quốc gia về nền tảng điện toán đám mây Chính phủ.

Theo đó, hệ sinh thái đám mây phục vụ Chính phủ số gồm Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC), đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương (AGC) và đám mây của các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ Chính phủ số (EGC). Cùng với đó, nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) được xây dựng thống nhất trên cơ sở quy hoạch, kết nối, nhằm tạo môi trường để lưu trữ, chia sẻ tài nguyên, phát triển dịch vụ dùng chung.

Nhận định những lợi ích và tầm quan trọng của điện toán đám mây trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã trình bày 5 khuyến nghị chính sách cho lĩnh vực này.

Thứ nhất là tiếp tục có chiến lược nâng cấp cơ sở hạ tầng kết nối, viễn thông, chất lượng băng thông. Đây là nền tảng quan trọng để vận hành công nghệ điện toán đám mây, đồng thời là tiêu chí để đánh giá quá trình chuyển đổi số và mức độ sẵn sàng dịch chuyển lên đám mây của Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam cần có chính sách cụ thể về việc sử dụng điện toán đám mây, trong đó cần thể hiện rõ rằng ưu tiên ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, lợi thế cạnh tranh của điện toán đám mây, các loại mô hình dịch vụ đám mây phù hợp để sử dụng. Trên thế giới, đã có khoảng 10 nước quốc gia ban hành chính sách ưu tiên điện toán đám mây (Cloud-first policy), trong đó gồm Hoa Kỳ (2010), Vương quốc Anh (2013), Malaysia (2013), Úc (2017), Bahrain (2017), Philippines (2017).

Thứ ba, song hành cùng Chính sách ưu tiên đám mây là nguyên tắc phân loại dữ liệu theo mức độ nhạy cảm kết hợp với yêu cầu bảo mật tương ứng nhằm chống lại các mối đe doạ hiện hành và tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia nếu dữ liệu đó bị xâm phạm. Hiệp hội Điện toán đám mây Châu Á (ACCA) đưa ra khuyến nghị phân loại dữ liệu quốc gia theo 3 cấp độ. Trong đó, dữ liệu cấp độ 1 là dữ liệu ít nhạy cảm, dữ liệu cấp độ 2 là dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu cấp độ 3 là dữ liệu đặc biệt nhạy cảm. Theo phân loại này, dữ liệu cấp độ 1 chiếm 80-85% tổng lượng dữ liệu, trong khi dữ liệu cấp độ 3 chỉ chiếm khoảng 5%. Theo đó, tuỳ vào mức độ nhạy cảm của dữ liệu mà Chính phủ sẽ sử dụng mô hình đám mây phù hợp.

Thứ tư, Việt Nam cũng cần đánh giá các loại hình dịch vụ công trực tuyến, các cấu thành ưu tiên trong hệ thống dịch vụ đô thị thông minh hiện nay để di chuyển lên đám mây dùng chung hoặc đám mây Chính phủ. Do vậy, việc xác định cơ chế tài chính để lựa chọn sử dụng mô hình đám mây phù hợp sau khi đã phân loại dữ liệu là việc cần thiết. Theo đó, đối tác công tư trong việc xây dựng hạ tầng đám mây là phương án có thể cân nhắc.

Thứ năm là đảm bảo dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và yêu cầu về bản địa hoá dữ liệu.

"Các vấn đề chính sách này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nói riêng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông nói chung", Viện IPS nhận định.

Công ty nghiên cứu thị trường Gartner ước tính, thị trường đám mây công cộng thế giới đạt khoảng 266 tỷ USD trong năm 2020, với tỷ lệ tăng trưởng 17,3%. Hơn 1.300 tỷ USD ngân sách dành riêng cho các hoạt động công nghệ thông tin sẽ chịu ảnh hưởng khi doanh nghiệp “lên mây” vào năm 2022.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục