Đề xuất 4 bước thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu tại dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00

Trình tự thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu của nhà nước tại các dự án PPP sẽ trải qua 4 bước với sự tham gia Kiểm toán nhà nước.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Vidifi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Vidifi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo gồm 8 Chương, 25 Điều và 4 Phụ lục, tập trung vào 4 nội dung chính: quy định phương án tài chính dự án PPP; quy định việc quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán vốn nhà nước trong dự án PPP; quy định về quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành; quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Liên quan đến cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Dự thảo Nghị định quy định phần tăng doanh thu mà doanh nghiệp chia sẻ với nhà nước là nguồn thu của ngân sách các cấp (Ngân sách trung ương đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư; Ngân sách địa phương đối với các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư). Đây là khoản giảm doanh thu của doanh nghiệp dự án. Phần giảm doanh thu mà nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp dự án là khoản thu khác của doanh nghiệp dự án.

Nguồn để thực hiện chia sẻ phần giảm doanh thu của nhà nước từ dự phòng ngân sách trung ương hoặc dự phòng ngân sách địa phương theo nguyên tắc như đối với phần tăng doanh thu mà doanh nghiệp chia sẻ nêu trên.

Về trình tự thực hiện, Dự thảo Nghị định đề xuất thực hiện qua 4 bước.

Tại bước thứ 1, căn cứ doanh thu thực tế và các điều kiện quy định tại Điều 82 của Luật PPP, cơ quan ký kết hợp đồng đề nghị Kiểm toán nhà nước kiểm toán doanh thu thực tế.

Bước thứ 2, căn cứ báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Bước thứ 3, cơ quan có thẩm quyền gửi Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị thực hiện cơ chế chia sẻ doạnh thu (đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư); cơ quan ký kết hợp đồng gửi Sở Tài chính (đối với dự án do Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư)

Bước thứ 4, Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ; Sở Tài chính trình UBND cấp tỉnh để xem xét quyết định sử dụng dự phòng ngân sách thanh toán phần chia sẻ doanh thu giảm.

Dự thảo Nghị định quy định Hồ sơ thanh toán cơ quan ký kết hợp đồng cần gửi kho bạc nhà nước: quyết định của cấp có thẩm quyền về sử dụng dự phòng NSNN để thanh toán; Giấy đề nghị thanh toán, Chứng từ chuyển tiền.

Được biết, theo quy định tại Điều 82 Luật PPP, cơ chế chia sẻ doanh thu được áp dụng khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án chi sẻ nhà nước 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này sau khi đã điều chỉnh mức giá phí dịch vụ (giảm), điều chỉnh thời gian hợp đồng (giảm) và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần tăng doanh thu.

Khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này và doanh thu thực tế chỉ áp dụng: đối với hợp đồng BOT, BTO, BOO; lý do giảm doanh thu được xác định do quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi; đã điều chỉnh tăng giá, phí, tăng thời gian hợp đồng song vẫn chưa đảm bảo đạt mức 75% doanh thu theo phương án tài chính; được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần giảm doanh thu.

Nguồn xử lý chia sẻ doanh thu của Nhà nước từ dự phòng ngân sách các cấp.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục