Đề phòng lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
Có thể còn quá sớm để nói về áp lực lạm phát sẽ tăng cao trong năm nay, nhưng rõ ràng, cần có sự chuẩn bị sớm cho xu hướng này.
Nếu lạm phát tăng cao sẽ gây áp lực nhiều mặt đến nền kinh tế. Nếu lạm phát tăng cao sẽ gây áp lực nhiều mặt đến nền kinh tế.

Tháng 2/2021, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tới 1,52% so với tháng trước đó, là mức cao nhất trong các tháng Hai của 8 năm trở lại đây. Mức tăng mạnh của CPI tháng 2/2021 dù được giải thích bằng một số yếu tố đột biến, như việc chương trình hỗ trợ giảm giá điện kết thúc, rồi nhu cầu tiêu dùng gia tăng trong dịp Tết, nhưng rõ ràng, cần theo dõi sát sao diễn biến giá cả trong thời gian tới, nhất là khi kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn trong nửa cuối năm 2021, kéo theo nhu cầu và giá cả các mặt hàng gia tăng, tạo áp lực lên lạm phát.

Trên thực tế, việc CPI tăng 1,52% trong tháng 2/2021 cũng không phải quá bất thường. Lâu nay, các tháng Tết, CPI thường tăng cao. Thêm nữa, CPI tháng 2/2021 tăng cao, nhưng bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI lại giảm 0,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nghĩa, ở thời điểm hiện tại, áp lực lạm pháp chưa phải là điều gì đáng lo ngại. Song xu hướng lạm phát tăng là một thực tế, nhất là khi kinh tế hồi phục.

Không chỉ là kinh tế trong nước hồi phục, mà kinh tế thế giới cũng vậy khi vaccine Covid-19 được tiêm phòng rộng rãi hơn, khi dịch bệnh Covid-19 dần ổn định và được kiểm soát tốt hơn.

Kinh tế hồi phục sẽ kéo theo nhu cầu hàng hóa tăng cao hơn, khiến giá cả hàng hóa thế giới tăng, ảnh hưởng tới giá hàng hóa trong nước.

Một ví dụ dễ thấy, là giá dầu đang có xu hướng tăng và dự báo sẽ đạt khoảng 70 USD/thùng trong thời gian tới. Đấy cũng chính là lý do cách đây 1 tuần, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng khá mạnh. Kỳ điều chỉnh này sẽ được tính cho CPI tháng Ba và nhiều khả năng, CPI tháng 3/2021 khó duy trì mức tăng thấp như những năm gần đây.

Không chỉ là giá dầu, trang điện tử Financial Time ngày 17/2/2021 đăng đánh giá của giới chuyên gia rằng, nguyên liệu thô toàn cầu đang đứng trước “siêu chu kỳ tăng giá” nhờ sức bật của kinh tế toàn cầu một khi Covid-19 được kiểm soát tốt. Vì thế, ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp thích ứng với “nguyên liệu thô đứng trước siêu chu kỳ tăng giá”.

Thực tế, triển vọng tăng giá của hàng hóa nguyên liệu thô còn được hỗ trợ từ việc nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương sẵn sàng bơm tiền giúp nền kinh tế sớm hồi phục. Trên thế giới, nhiều quốc gia đang tiếp tục có các gói kích thích kinh tế mới. Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngay khi lên nắm quyền, đã công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, lên tới 1.900 tỷ USD. Ở trong nước, Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu tiếp các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh…

Những yếu tố trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, tới nguồn cung tiền ra thị trường, kéo theo áp lực lạm phát trong những tháng tới. Chính vì thế, cẩn trọng theo dõi xu hướng giá cả thị trường để có biện pháp điều hành linh hoạt là cần thiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhắc vấn đề này khi báo cáo Chính phủ mới đây. Trong các giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, việc tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được cho là cần thiết. Vế thứ hai được cơ quan tổng tham mưu trưởng cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô nhấn mạnh là “kiểm soát lạm phát”. Như vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng vaccine được phổ biến rộng rãi, thì vẫn cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đó là biện pháp đúng đắn. Bởi nếu lạm phát tăng cao sẽ gây áp lực nhiều mặt đến nền kinh tế, bao gồm cả lãi suất, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền đầu tư, thị trường chứng khoán… Ổn định kinh tế vĩ mô luôn là tiền đề quan trọng để nền kinh tế có thể hồi phục và tiếp tục đà tăng trưởng.

Hà Nguyễn ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục