Đề phòng bong bóng tài sản

0:00 / 0:00
0:00
Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục, bất động sản tăng nhiệt ở một số phân khúc, tiền ảo kỹ thuật số chinh phục mức giá mọi thời đại…
Ngân hàng không chỉ cho vay vốn, mà còn hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, cần tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro. Ngân hàng không chỉ cho vay vốn, mà còn hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, cần tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro.

Những tín hiệu trên cho thấy, dòng vốn rẻ đang hỗ trợ sản xuất kinh doanh, song phần nào cũng kích thích người dân đổ vào các kênh đầu cơ. Cũng bởi vậy, nỗi lo về bong bóng tài sản bắt đầu manh nha.

Thực tế cho thấy, lãi suất đang ngày một rẻ, tín dụng cũng đã dần cải thiện. Tính đến cuối năm 2020, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 12,13%, chỉ thấp hơn 1,5% so với năm 2019. Tín dụng tăng khá tốt, nhưng GDP năm 2020 tăng 2,91% (trong khi GDP năm 2019 tăng 7,02%, tín dụng chỉ tăng 13,65%) đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: tín dụng tăng có thực chất và dòng tiền đang chảy đi đâu?

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh suy yếu, rất có lý, khi nhiều người nghi ngờ rằng, tín dụng tăng một phần nhờ đảo nợ và vốn đang chảy vào chứng khoán, bất động sản và những tài sản rủi ro khác. Nếu nhìn ở góc độ khác, thì rất có thể, vốn rẻ đang làm lợi cho các kênh đầu cơ.

Thực tế, nỗi lo trên không phải là không có cơ sở.

Thứ nhất, Covid -19 khiến 2,3 triệu tỷ đồng tín dụng bị ảnh hưởng, chiếm 27% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép khách hàng được cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi đến hạn với thời hạn phù hợp. Giải pháp này đã cứu hàng ngàn doanh nghiệp không rơi vào cảnh nợ xấu, phá sản. Tuy nhiên, đây cũng là lý do khiến một phần tăng trưởng tín dụng năm 2020 được coi là đảo nợ.

Thứ hai, chưa có dấu hiệu rõ ràng về dòng tiền từ ngân hàng đổ mạnh vào chứng khoán, bất động sản hay tiền ảo. Mặc dù vậy, những kỷ lục về lượng tài khoản mở mới cũng như giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán, hiện tượng sốt nóng cục bộ của một số phân khúc bất động sản và cơn sốt đầu tư tiền ảo những tháng cuối năm 2020 cho thấy, việc người dân, doanh nghiệp chuyển một phần tiền tích lũy sang đầu tư chứng khoán, bất động sản hay tiền ảo là có thật.

Nói cách khác, bong bóng giá tài sản đang manh nha hình thành. Trong bối cảnh đó, sự thận trọng của chính sách tiền tệ là cần thiết.

Không phải ngẫu nhiên, mà ngay từ đầu năm 2021, bên cạnh chủ trương mở rộng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã khẳng định quan điểm không hạ chuẩn tín dụng, chỉ tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro.

Thực tế, lãi suất đã giảm, nhưng việc đẩy mạnh tín dụng là không thể nếu doanh nghiệp, người dân chưa có nhu cầu vay hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn. Tại hầu hết các nước trên thế giới, việc kích cầu ở thời điểm này đều thiên về chính sách tài khóa hơn là tiền tệ. Việc bơm tín dụng quá mức so với khả năng hấp thụ, không kiểm soát được dòng vốn chảy vào lĩnh vực rủi ro sẽ khiến gia tăng bong bóng tài sản.

Nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam vẫn có thể giảm lãi suất, thực hiện các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế… Song Việt Nam cũng cần liên tục theo dõi, đánh giá để có giải pháp ứng phó nếu bong bóng tài sản xuất hiện.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2021 mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng lưu ý, ngân hàng không chỉ cho vay vốn, mà còn hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, cần tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro.

Nhu vậy, ngay cả khi dấu hiệu bong bóng tài sản tại Việt Nam chưa rõ ràng, thì các cơ quan chức năng cũng phải rất thận trọng đề phòng một khi dòng vốn rẻ tiếp tục ồ ạt chảy vào các kênh đầu cơ.

Hà Tâm ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục