PCI không phải là đích đến mà là hành trình
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh với Báo Đầu tư khi đánh giá về ý nghĩa bộ chỉ số PCI với tỉnh Quảng Ninh. “Với chúng tôi, đích đến của PCI không phải là thứ hạng mà là các dư địa để thực hiện cải cách và vượt lên chính mình”, ông Long chia sẻ.
Trên bảng xếp hạng PCI năm 2016, Quảng Ninh đứng thứ hai với 65,60 điểm. Đây là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay và ở trong nhóm điều hành rất tốt. Ngược trở lại về trước, từ năm 2015 – 2010, vị trí trong bảng xếp hạng PCI của Quảng Ninh lần lượt là 3 - 5- 4- 20 - 12 - 7. Sự thay đổi vị trí này đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Quảng Ninh kể từ năm 2012 để lấy lại vị thế và khẳng định chất lượng điều hành trong top đầu cả nước của Quảng Ninh, sau hai năm liên tiếp bị tụt hạng (năm 2011 và 2012).
Thấy được vai trò và tầm quan trọng của PCI - khi đây là bộ chỉ số phản ảnh thực chất ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư về chất lượng điều hành của các địa phương - Quảng Ninh đã coi PCI như tấm gương soi để sửa mình. Mặt khác, cũng vì Quảng Ninh nhận thức được vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp với sự phát triển của tỉnh, nên việc hỗ trợ để họ - đối tượng đặc biệt - có cơ hội phát triển tốt tại Quảng Ninh là điều mà lãnh đạo địa phương này luôn trăn trở.
Cũng chính vì thế mà ý tưởng thành lập một cơ quan có đủ thẩm quyền giải quyết một cách nhanh nhất các yêu cầu của nhà đầu tư đã được đưa ra.Và sáng kiến thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) của tỉnh Quảng Ninh được coi là một ý tưởng thành công điển hình giúp mang lại vị trí thứ hạng cao cho Quảng Ninh trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh nhiều năm gần đây.
Và tại buổi lễ công bố PCI 2016, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhiều lần nhắc đến Quảng Ninh như một trong số các "ngôi sao cải cách". Hay nói cách khác, trong những năm gần đây, cái tên Quảng Ninh được xướng lên như một hiện tượng trong nhiều lĩnh vực từ cải cách hành chính đến huy động nguồn lực để đầu tư…
Song, ông Nguyễn Đức Long vẫn cho rằng, nếu đánh giá cụ thể từng chỉ số thành phần của PCI 2016, thì Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể có được môi trường đầu tư kinh doanh mà cộng đồng doanh nghiệp cần. “Vậy nên Quảng Ninh còn cả chặng đường dài phía trước để tự thay đổi mình và làm hài lòng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Và PCI sẽ tiếp tục là công cụ dẫn đường cho chúng tôi”, ông Nguyễn Đức Long khẳng định.
Còn nhiều việc phải làm
Năm 2016, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng và là năm thứ 4 liên tiếp và cũng là lần thứ 7 trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI. Còn Đồng Tháp tuy đổi ngôi với Quảng Ninh, nhưng đây là lần thứ 9 liên tiếp địa phương này nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành. Điều đó cho thấy sự ổn định trong chính sách và chất lượng điều hành của Đà Nẵng và Đồng Tháp. Đó cũng là điều mà Quảng Ninh đang phấn đấu và để kết quả xếp hạng của PCI Quảng Ninh không chỉ là hiện tượng . Ông Nguyễn Đức Long bày tỏ mong muốn.
Những năm qua, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả, như rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp từ 05 ngày xuống còn 02 ngày làm việc; thực hiện vượt chỉ tiêu và thời gian theo Nghị quyết 19/NQ-CP về kê khai thuế qua mạng (đạt 99%), nộp thuế điện tử (95%), rút ngắn thời gian nộp thuế xuống 117 giờ; thời gian cấp phép xây dựng đã rút xuống còn không quá 45 ngày. Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đã giám xuống dưới 10 ngày, còn với hàng nhập khẩu là dưới 12 ngày,… Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Trung bình giảm 45-50 thời gian giải quyết thủ. “Song những điều này là chưa đủ. Chúng tôi vẫn cần cải cách mạnh hơn nữa”, ông Long cho biết.
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng ban IPA Quảng Ninh cho biết, để thực hiện điều này, Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính Phủ và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, bên cạnh việc duy trì những thành quả đã đạt được thì Quảng Ninh đã đề ra mục tiêu cao hơn là, đến năm 2020, phải đạt các điểm số trung bình theo nhóm ASEAN 4, dựa trên các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới.
Riêng nhóm chỉ tiêu về Thể chế (môi trường chính trị, môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh), Quảng Ninh sẽ phải có những cải thiện vượt bậc, duy trì môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh theo PCI luôn ở trong nhóm dẫn đầu cả nước. Còn nhóm chỉ tiêu về Cơ sở hạ tầng phấn đấu đạt theo yêu cầu của quốc gia, trong đó chỉ số ICT duy trì trong top 10 dẫn đầu cả nước trong năm 2017 và nằm trong top 05 từ năm 2018.
Về việc thực hiện Chính phủ điện tử, Quảng Ninh đang phấn đấu đến hết năm 2017, thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ 100% thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện và liên thông tới 186 xã, phường, thị trấn.
Quảng Ninh đã đưa ra 9 nhóm giải pháp chính để thực hiện các mục tiêu chiến lược ngắn hạn và đến năm 2020. Trong đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất cần phải sớm hoàn thiện là chủ động bám sát Trung ương để sớm có những quyết định, cơ chế chính sách đặc thù quan trọng của tỉnh như: Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn; đề án thành lập KCN chuyên sâu Việt Hưng... tạo dư địa trong thu hút đầu tư cho Quảng Ninh.
Kế đó là phải huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, sẽ ưu tiên dành nguồn lực để tiếp tục đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: Đường cao tốc Hạ Long- Hải Phỏng, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn. Các công trình hạ tầng về du lịch như: khu công viên Đại Dương, nhà thi đấu đa năng...
Và để thu hút được các nguồn lực tốt thì Quảng Ninh cần phải triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả “3 đồng hành, 5 hỗ trợ’ đối với doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nâng cao tính minh bạch.
Cuối cùng, đó là tiếp tục triển khai hiệu quả bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2017 (DDCI 2017) nhằm huy động sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, các ngành trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Ninh.