Chiều 19/9 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Giá (sửa đổi).
Lý do đề nghị bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá, theo Bộ trưởng, sách giáo khoalà mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể, ông Phớc nói
Mặt hàng thứ hai cũng được Chính phủ đề nghị bổ sung là hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất.
Mặt hàng này do Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung vào Danh mục vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật thương mại và Nghị định 94/2017/NĐ-CP, phù hợp với các tiêu chí tại Luật. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng thì việc bổ sung là rất cần thiết để triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn, Bộ trưởng trình bày.
Riêng đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kĩ để có Đề án riêng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện.
Do đó, trước mắt chưa đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; trường hợp cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư được Quốc hội thông qua sẽ được cập nhật vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Lần sửa đổi này, qua rà soát, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù họp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giả đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giả thị trường.
Trong đó có dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp).
Lý do là thuộc nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí, lệ phí. Qua rà soát cho thấy nhóm dịch vụ này đã có sự cạnh tranh từ nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ nên không cần thiết phải định giá nhà nước, ông Phớc nói rõ thêm.
Trong 14 hàng hoá, dịch vụ còn có Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh, thuốc lá điếu sản xuất trong nước, Dịch vụ quy hoạch, Nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng...
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp.
Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân; đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.
Theo dự kiến, dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).