Đề nghị bổ sung quy định cấm nhân viên ngân hàng lôi kéo, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là ý kiến của thành viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được trình Quốc hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sáng 5/6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sáng 5/6.

Sáng 5/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV bước sang tuần làm việc thứ ba với việc trình và thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Dự án luật này lần đầu được đưa ra trình Quốc hội, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật gồm 13 chương, 195 điều; trong đó, giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 144 điều và bổ sung mới 10 điều so với Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành.

Việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.

Về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng như tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị, sửa đổi, bổ sung các quy định về thành viên Hội đồng quản trị độc lập để tách bạch chức năng quản trị, điều hành cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông nhỏ lẻ; mở rộng nguồn nhân lực cho vị trí thành viên HĐQT độc lập; sửa đổi, làm rõ nội dung yêu cầu về kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu của tổ chức tín dụng để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…

Về tạo điều kiện mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng; quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng...

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 5/6.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 5/6.

Đặc biệt, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng và mở rộng đối tượng tiếp cận tín dụng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhằm tăng cường tính đại chúng trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Về hoạt động của ngân hàng thương mại, Dự thảo Luật làm rõ bản chất của thư tín dụng, bổ sung hoạt động dịch vụ ngân quỹ, giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán…

Về hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô, để tạo cơ sở pháp lý giúp khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân được tiếp cận với những dịch vụ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng hợp tác xã để nâng cao vai trò của ngân hàng hợp tác xã đối với hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân...

Thẩm tra dự án Luật, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 12 năm thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng; tạo cơ chế xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật mới chỉ tập trung nhiều vào xử lý những vấn đề bất cập chủ yếu trong công tác quản lý nhà nước, các nội dung về tăng cường năng lực quản trị, điều hành của các ngân hàng..

Trong khi đó, việc sửa đổi Luật không chỉ bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng mà cần quan tâm hơn đến việc thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng bền vững, hiệu quả; nâng cao khả năng cạnh tranh; hỗ trợ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bảo hiểm; tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng sáng 5/6

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng sáng 5/6

Về bố cục của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu, có ý kiến cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm được quy định rải rác tại các điều trong dự thảo Luật, đề nghị cân nhắc quy định chung 01 điều về “Các hành vi bị nghiêm cấm” tương tự như quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm; trong đó nghiên cứu bổ sung một số hành vi như: cấm nhân viên ngân hàng tư vấn bán chéo sản phẩm bảo hiểm không đúng, đủ thông tin hoặc lôi kéo, ép buộc khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm để được vay vốn, môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định… đang gây bức xúc dư luận hiện nay.

Về đối tượng áp dụng, nhiều ý kiến đề nghị bên cạnh đối tượng được mua, bán, xử lý nợ xấu gồm Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) như quy định tại dự thảo Luật, cần nghiên cứu rà soát mở rộng đối tượng bảo đảm thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là “Các công ty công nghệ tài chính (Fintech)” do thời gian vừa qua các công ty Fintech đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trong hoạt động ngân hàng mà thực tế ở nhiều quốc gia đã được thị trường đón nhận và sử dụng rộng rãi như: cho vay, gọi vốn, thanh toán, bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân... nhưng vì không phải tổ chức tín dụng nên không có cơ sở để Chính phủ và NHNN quy định hoạt động của các chủ thể này liên quan đến quy định của Điều 97 dự thảo Luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 127), dự thảo Luật điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.... nhằm giảm mức độ tập trung rủi ro tín dụng và hạn chế sở hữu chéo.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi các giới hạn này, vì các lý do sau: Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao; trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro.

Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam.

Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng (Điều 144 đến 148), dự thảo luật quy định ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, những trường hợp sau cần can thiệp sớm: tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài gồm: Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 03 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 06 tháng liên tục; Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc can thiệp sớm theo quy định của dự thảo Luật thực chất là xử lý tổ chức tín dụng đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ; do đó cần rà soát, quy định các trường hợp cần áp dụng can thiệp sớm phù hợp hơn.

Theo chương trình dự kiến, chiều nay (5/6), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Dự án Luật này sẽ được xây dựng bởi 3 kỳ họp, được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV vào tháng 5/2024.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục