Để ngân hàng và Fintech tận dụng thế mạnh của nhau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Tổng giám đốc cấp cao, Đồng sáng lập MoMo cho hay, các ngân hàng đã tập trung đầu tư việc tiếp cận khách hàng trên các kênh số, cũng như tận dụng lượng khách hàng của công ty Fintech để giới thiệu các dịch vụ mới. Đây là một mô hình rất tốt giúp tận dụng thế mạnh của đôi bên.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Tổng giám đốc cấp cao, Đồng sáng lập MoMo Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Tổng giám đốc cấp cao, Đồng sáng lập MoMo

Sự phát triển của Fintech tại Việt Nam sau giai đoạn bùng nổ đã chuyển sang giai đoạn “chọn lọc” và MoMo được coi là “kỳ lân” trong lĩnh vực này. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của các Fintech thời gian qua cũng như dự báo về xu hướng phát triển thời gian tới?

Thị trường Fintech Việt Nam đã được định hình và được khách hàng sử dụng khá phổ thông, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt, với mức tăng trưởng giao dịch đều đạt trên 100%/năm trong 3 năm qua, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, các xu hướng chính là siêu ứng dụng (superapp), nền tảng mở (Open-platform) và thanh toán qua QR Code.

Ngày nay, các công ty Fintech lớn không chỉ còn là ứng dụng thanh toán đơn thuần, mà đã tiến hóa thành các siêu ứng dụng, phối hợp với các đối tác để cung cấp đa dịch vụ cho khách hàng như thương mại điện tử, tài chính, bảo hiểm… Đây cũng là nhu cầu thực tế của người dùng, họ muốn dùng một ứng dụng để mua sắm tất cả những sản phẩm, dịch vụ cần thiết cho cuộc sống.

Ngoài ra, có 2 xu hướng khác liên quan đến nền tảng Fintech, đó là xu hướng nền tảng đóng chỉ cho phép các đơn vị nằm trong hệ sinh thái của chính công ty đó hoạt động và nền tảng mở cho phép hợp tác với các đơn vị khác nhau. MoMo là một nền tảng mở và đẩy mạnh hợp tác với tất cả các đối tác, nền tảng khác nhau nhằm mở rộng hệ sinh thái, phục vụ nhu cầu khách hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm 2023, giao dịch qua QRCode tăng 112,71% về số lượng và 11,18% về giá trị. Với chi phí thiết lập thanh toán không dùng tiền mặt gần như bằng không, QR Code đang ngày càng phổ biến và có chỗ đứng ngày càng vững chắc tại thị trường Việt Nam.

Dư địa vẫn còn, song đồng nghĩa với việc thị trường đủ lớn để các Big Tech tham gia vào cuộc chơi. Sự xuất hiện của Apple Pay, Google Pay gần đây sẽ biến đổi thị trường thanh toán như thế nào?

MoMo là một nền tảng mở và đẩy mạnh hợp tác với tất cả các đối tác, nền tảng khác nhau nhằm mở rộng hệ sinh thái, phục vụ nhu cầu khách hàng.

Thực tế, trên thị trường không có một đơn vị nào có thể phục vụ trọn vẹn nhu cầu của tất cả người dùng. Mỗi đơn vị sẽ lựa chọn phục vụ một phân khúc người dùng riêng. Chẳng hạn, người dùng mục tiêu của Apple Pay và Google Pay tập trung vào phân khúc người dùng sành về công nghệ, có thu nhập cao qua tài khoản ngân hàng, thường mua sắm thanh toán tại các thương hiệu lớn, sang trọng. Việc thiết lập một thiết bị chấp nhận thanh toán qua Google, Apple Pay có chi phí khoảng 100 USD với nhiều thủ tục, việc này rất phù hợp với các nhãn hàng lớn.

Ngược lại, các Fintech Việt như MoMo lại hướng đến phục vụ đa số người dân bình thường, các hộ kinh doanh nhỏ và tiểu thương thanh toán các khoản nhỏ lẻ. Đơn cử, việc thiết lập một điểm chấp nhận thanh toán QR Code MoMo chỉ mất khoảng 5-10 phút với chi phí gần như bằng không cho các tiểu thương. Ngay cả phần mềm quản lý thông tin tài khoản thanh toán cũng được chạy trên ứng dụng điện thoại sẵn có của tiểu thương, không phải đầu tư thêm bất kỳ cái gì.

Với thế mạnh riêng, tôi nghĩ rằng, càng có nhiều đơn vị phục vụ các thị trường ngách khác nhau thì đều tốt cho thị trường và người tiêu dùng được hưởng lợi. Điều này cũng chứng tỏ khách hàng đã chấp nhận sự phố biến của thanh toán không dùng tiền mặt và thị trường có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, để tồn tại, các Fintech sẽ cần có một hệ sinh thái lớn và đa dạng, đồng thời có trong tay năng lực công nghệ đủ mạnh để ứng dụng các công nghệ mới giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng.

MoMo hướng đến phục vụ đa số người dân bình thường, hộ kinh doanh nhỏ, tiểu thương...

MoMo hướng đến phục vụ đa số người dân bình thường, hộ kinh doanh nhỏ, tiểu thương...

Với người tiêu dùng, thanh toán online đã trở nên phổ biến và tốc độ chuyển đổi thanh toán từ tiền mặt sang online rất nhanh sau đại dịch Covid-19. Đây là tín hiệu tốt về mặt tổng thể, nhưng theo ông, đâu là vấn đề cần lưu ý về pháp lý, về những sai lầm cần tránh... để thị trường phát triển lành mạnh, tránh lỗi bảo mật và hiện tượng lừa đảo đi kèm?

Khi thanh toán online ngày càng phổ biến, một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu là nâng cao bảo mật và chống lừa đảo trực tuyến. Hiện nay, MoMo không chỉ ứng dụng các công nghệ bảo mật hàng đầu thế giới để bảo vệ khách hàng, mà còn nỗ lực phối hợp với các cơ quan báo chí, quản lý nhà nước… để cùng nâng cao nhận thức của người dùng về vấn đề bảo mật, phòng chống lừa đảo, mục tiêu là làm sao để chính người dùng cũng được trang bị đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ tài sản của mình.

Trong thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, MoMo sẽ triển khai sử dụng bổ sung công nghệ sinh trắc học để xác minh giao dịch kết hợp với password (mật khẩu), nghĩa là ngoài password còn so sánh thêm một định dạng của cá nhân khách hàng (khuôn mặt, vân tay…) đối với người thực hiện giao dịch trên ứng dụng. Nếu so sánh không khớp, giao dịch sẽ không thực hiện được. Việc này sẽ hạn chế tối đa được các rủi ro cho khách hàng trên môi trường online.

Với các ngân hàng, hiện đang đầu tư khá mạnh tay cho công nghệ, cởi mở trong hợp tác khi chấp nhận các trung gian thanh toán “nhúng” dịch vụ vào hệ thống. Thế nhưng, cũng tương tự như người tiêu dùng, sự phát triển công nghệ mới đòi hỏi hạ tầng, nền tảng, vận hành phải đồng bộ. Vậy đâu là vấn đề cần lưu ý để các khoản đầu tư hiệu quả và mang lại nhiều giá trị gia tăng cho ngân hàng?

Thời gian qua, các ngân hàng và Fintech đã tăng cường sự hợp tác. Có thể nhận thấy trong các ứng dụng ngân hàng, Fintech đã “nhúng” nhiều dịch vụ như đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn… và ngược lại, ngân hàng cũng “nhúng” nhiều tính năng vào Fintech, chẳng hạn khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng, gửi tiết kiệm, mở thẻ tín dụng… ngay trên MoMo.

Với xu hướng phát triển mô hình ngân hàng số, các ngân hàng đã tập trung đầu tư vào việc tiếp cận khách hàng trên các kênh số, cũng như tận dụng lượng khách hàng của công ty Fintech để giới thiệu các dịch vụ mới. Đây là một mô hình rất tốt giúp hai bên tận dụng thế mạnh của nhau mà nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Hàn Quốc… đang triển khai. Còn về cơ sở hạ tầng, nhìn chung, các ngân hàng lớn đều đã nâng cấp hệ thống lõi, giúp giao dịch nhiều hơn, đảm bảo an toàn an ninh cũng như mở hơn với các công ty Fintech.

MoMo đã huy động vốn nhiều vòng từ các nhà đầu tư và theo ông, các công ty Fintech sẽ quan tâm đến việc huy động vốn như thế nào? Sau câu chuyện truyền cảm hứng khi Vinfast niêm yết tại sàn Nasdaq (Mỹ) thì kế hoạch này có khả thi đối với các công ty Fintech?

Tôi nghĩ rằng, bài toán về vốn luôn là vấn đề bức thiết và chiếm sự quan tâm hàng đầu của các công ty công nghệ. Khi còn ở giai đoạn start-up và ở quy mô vừa phải, các doanh nghiệp thường sẽ tiếp cận nguồn vốn thông qua các nhà đầu tư thiên thần hoặc các quỹ đầu tư rủi ro, quỹ đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nguồn vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Khi các doanh nghiệp công nghệ đã phát triển ở mức độ lớn hơn, giai đoạn này sẽ cần tiếp cận với nguồn vốn công chúng trên sàn chứng khoán.

Theo tôi, các công ty công nghệ đều rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước đối với việc tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư cá nhân, cũng như tiếp cận được với nguồn vốn công chúng tại các thị trường trong và ngoài nước. Điều này sẽ tạo động lực cho các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển mạnh tại Việt Namn

Hồng Dung thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục